Một nghiên cứu vừa được công bố trên chuyên san eClinicalMedicine cho thấy việc thường xuyên gặp ác mộng ở độ tuổi trung niên trở lên có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.
Tác giả nghiên cứu - Tiến sĩ Abidemi Otaiku, thuộc khoa Thần kinh học, Đại học Birmingham (Anh), đã phân tích dữ liệu của ba cuộc nghiên cứu lớn của Mỹ về sức khỏe và sự lão hóa.
Dữ liệu nghiên cứu được lấy từ hơn 600 người trong độ tuổi từ 35 đến 64, và 2.600 người từ 79 tuổi trở lên.
Tất cả những người tham gia đều có sức khỏe tinh thần bình thường khi bắt đầu nghiên cứu. Họ được theo dõi sức khỏe trung bình 9 năm đối với nhóm trung niên và 5 năm đối với nhóm người cao tuổi.
Khi bắt đầu nghiên cứu, những người tham gia đã hoàn thành một loạt bản câu hỏi, trong đó có một bản câu hỏi về tần suất họ gặp ác mộng.
Một bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính sọ não. Ảnh: ISTOCK |
Kết quả nghiên cứu cho thấy những người trung niên gặp ác mộng hàng tuần có nguy cơ bị suy giảm nhận thức (tiền thân của hội chứng sa sút trí tuệ) cao gấp 4 mức trung bình mức thông thường, còn đối với người cao tuổi là gấp 2 lần.
Điều đáng chú ý là mối liên hệ giữa những cơn ác mộng và khả năng suy giảm trí nhớ đối với nam giới rõ ràng hơn nhiều so với phụ nữ.
Ví dụ, những người đàn ông lớn tuổi gặp ác mộng hàng tuần có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao gấp 5 lần so với những người đàn ông lớn tuổi không gặp ác mộng. Tuy nhiên, ở phụ nữ mức này chỉ là 41%.
Điều tương tự cũng xảy ra ở nhóm trung niên.
Nghiên cứu cũng cho biết rằng việc điều trị các cơn ác mộng có thể giúp cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ. Cụ thể, nó có thể làm giảm sự tích tụ các protein bất thường có liên quan đến bệnh Alzheimer.
Tác giả kết luận rằng những phát hiện trong cuộc nghiên cứu có thể giúp làm chậm tình trạng suy giảm nhận thức và ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ ở một số người thông qua việc điều trị các cơn ác mộng.