Theo ThS-Bs Nguyễn Minh Mẫn - Đơn vị Tâm lý lâm sàng, BV ĐH Y Dược TP.HCM, Pokemon Go là game khá thú vị của sự tương tác giữa thế giới ảo và thực.
Trong trò chơi này, Pokemon ảo đi vào thế giới thực, lẩn trốn ở những ngõ ngách, những vị trí của đời thực, tùy vào chủng loại, ngày đêm, trên rừng dưới biển, nước sạch, nước bẩn, nơi công viên, bến nước, cảnh ngoài đời cũng là cảnh trong game. Tùy độ “tinh tướng” của các Pokemon mà kích thích khả năng chinh phục của người chơi.
Về mặt sinh học, khi tham gia chơi game này, người chơi đang hòa vào tiến trình vượt qua thử thách, hay vượt qua stress. Game càng căng thẳng, khó khăn, đòi hỏi cơ thể càng phải vận dụng nhiều cách để thích ứng với tiến trình đó.
Theo đó, cơ thể sẽ đáp ứng với stress bằng cách tiết ra Glucocorticoids, Adrenaline, Noradrenaline; khi đau mỏi cơ, có thể cơ thể tiết ra Endorphine (morphine nội sinh) để tự làm giảm đau… nhưng cũng làm cho cơ thể có cảm giác khoan khoái, hưng phấn, tất nhiên không đến nỗi như hút thuốc phiện.
Nếu đắm mình vào game, mỗi ngày trên hai giờ, ngày qua ngày, người chơi sẽ lệ thuộc nó, không hoặc rất khó rời ra khỏi cuộc chơi. Nếu dừng chơi một lúc, có thể gây ra những cảm giác thiếu thốn, bứt rứt, cáu kỉnh, bất an, đứng ngồi không yên, lúc nào cũng nghĩ về game… dẫn tới bỏ bê học tập, công việc, gia đình, không để ý đến chuyện ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân… Lúc đó có thể nói rằng người chơi đã “nghiện game”. Tùy vào thời gian nghiện, mức độ nghiện, môi trường tác động quanh người chơi… mà họ có thể có những hành vi khác nhau biểu hiện ra bên ngoài.
Giới trẻ vẫn mê mẩn với trò Pokemon Go ẢNH: HP
Ngoài ra, việc nghiện Pokemon sẽ gây ra những tác hại đối với sức khỏe về nhiều mặt như tâm lý, thời gian nghỉ ngơi, quan hệ xã hội.
Người chơi nếu đi vào con đường “nghiện” game sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Thời gian ăn uống ngủ nghỉ không phù hợp, có khi nhịn cả ăn uống. Một số người chơi trong đêm khuya (ban ngày không rảnh), sáng ra mệt mỏi, bơ phờ. Một số người khác lại bị rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, vì hễ nhắm mắt lại thì thấy con Pokemon nó nhảy nhót trước mặt như thách thức, thôi thúc người chơi kiếm tìm, chinh phục.
Họ tập trung nhiều ở các công viên cả sáng lẫn tối ẢNH: H.P
Nếu trong đầu chỉ luôn nghĩ đến game, đôi mắt lúc nào cũng dán vào màn hình điện thoại di động, thì sẽ không còn thời gian để chăm sóc người thân trong gia đình. Cuộc sống ảo sẽ dần thay thế cho thế giới thực, làm cho mối quan hệ với gia đình, bè bạn, cộng đồng trở nên nhạt nhẽo, dễ bất hòa, rạn nứt.
Những người nghiện game, nếu bị ngưng chơi đột ngột do một lý do nào đó, họ sẽ có thể có một số biểu hiện khó chịu, cáu gắt, phản ứng thái quá với người khác. Đôi khi, họ có những hành vi tấn công người ngăn cản họ chơi. Một số trẻ lớn có thể trộm tiền của gia đình để chơi game, nói dối, trốn học… Một số quá mê bắt Pokemon Go khó, level cao, có thể vi phạm đi vào vùng cấm, gây tác hại khó lường…
Do vậy, cần lưu ý, Polemon Go là trò chơi vui nhưng cần đề phòng nghiện game Pokemon Go, nếu nghiện, người chơi cần phải cố gắng vượt qua bằng nhiều hình thức trong sự hỗ trợ của gia đình, thầy cô giáo, bạn bè, người thân, các tổ chức xã hội, tôn giáo… đôi khi cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý trị liệu.
Chỉ sau hai tuần xuất hiện, game Pokemon Go đã có số lượng người chơi tăng vọt, đem lại khoảng thu khủng trên 14 triệu USD, nâng 24% giá trị giao dịch của cổ phiếu Công ty Nitendo. Bài hát trong game này (Pokemon Gotta Catch ‘Em All!) cũng được nghe trực tuyến trên dịch vụ Spotify tăng lên 362% và những bài hát "ăn theo" có tên Pokemon cũng tăng lên (Pokémon Theme, Pokerap, Pokémon Johto, Go Pokémon Go, I Want To Be A Hero). |