Ngoại trưởng Mỹ và thế cờ khó châu Á

Ông Tillerson dự kiến sẽ phải đối diện với nhiều thách thức trong việc điều chỉnh mối quan hệ với ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc khi mà những căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á này đang ngày càng leo thang.

Chuyến công du đầu tiên

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ đến Nhật Bản vào ngày 15-3, thăm Hàn Quốc vào ngày 17-3 và sau đó đến Trung Quốc trong hai ngày 18 và 19-3.

Theo hãng tin Reuters, chuyến công du châu Á của ông Tillerson nhằm mục đích thảo luận về tình hình Triều Tiên sau những vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng và nghi án ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bị sát hại tại Malaysia. Ngoại trưởng Mỹ cũng dự kiến sẽ thảo luận về những căng thẳng với Trung Quốc xung quanh Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ vừa triển khai đến Hàn Quốc đầu tháng này, đồng thời thúc đẩy lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ trong khu vực.

“Hành động tiếp tục thử nghiệm và tăng cường chương trình vũ khí của Triều Tiên rất đáng lo ngại và đã đi đến mức chúng ta cần phải có hành động, tìm kiếm một giải pháp thay thế” - hãng tin Reuters dẫn lời ông Mark Toner, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ - “Chúng tôi sẽ nói chuyện với các đồng minh và đối tác trong khu vực để tìm một hướng tiếp cận mới cho vấn đề Triều Tiên” - ông cho biết.

Theo lịch trình, ông Tillerson sẽ hội đàm với hai người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Bắc Kinh, ông sẽ hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và có thể gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Hai bên cũng dự kiến sẽ thu xếp cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Tập và Tổng thống Donald Trump tại Mỹ sớm nhất vào tháng 4 tới.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và ông Rex Tillerson trong cuộc họp tại Bộ Ngoại giao Mỹ  ở Washington hồi tháng 2. Ảnh: REUTERS

Bài toán hóc búa

Theo tờ Los Angeles Times, ông Tillerson, trong chuyến công du đầu tiên với tư cách người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, sẽ phải đối mặt với một bài toán đầy thách thức trong bối cảnh khu vực châu Á có nhiều biến động. Tuy nhiên, vấn đề rắc rối nhất cho ông có lẽ là làm thế nào để điều hướng mối quan hệ đang căng thẳng giữa các quốc gia Đông Bắc Á để cùng nhau hợp tác đối phó Triều Tiên, quốc gia hồi tuần trước vừa phóng bốn tên lửa đạn đạo vào vùng biển phía Tây Bắc Nhật Bản.

Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn còn nhiều mâu thuẫn chính trị gốc rễ từ thời Thế chiến thứ hai. Mỹ trong khi vừa phải cam kết ủng hộ đồng minh Hàn Quốc cũng sẽ phải hỗ trợ Nhật Bản đối phó với Triều Tiên và Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ phải điều chỉnh mối quan hệ Mỹ-Trung trong bối cảnh Bắc Kinh đang không ngần ngại trả đũa Hàn Quốc vì vấn đề THAAD. Thậm chí người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng còn lên tiếng cảnh báo sẽ áp dụng những biện pháp mới nhằm duy trì các lợi ích an ninh của mình.

Không chỉ có vậy, mối quan hệ thất thường giữa Trung Quốc và Triều Tiên cùng với những rối ren chính trị tại Hàn Quốc sau khi tổng thống Park Geun-hye bị phế truất cũng sẽ khiến tiến trình đàm phán trong khu vực ít nhiều gặp phải rào cản.

Nhiều chuyên gia nhận định trong hơn một thập niên qua, sự bất ổn ở khu vực Đông Bắc Á là một trong những nguyên nhân khiến tình hình trừng phạt Triều Tiên không mang lại kết quả. “Hành động của chính quyền ông Trump trong khu vực này sẽ rất cần thiết để xác định xem tình hình Triều Tiên sẽ cải thiện hay là tiếp tục xấu đi” - Phó Đô đốc đã về hưu Hideaki Kaneda, giáo sư tại Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế Nhật Bản, nhận xét.

__________________________

Mỹ phải cố gắng tạo sự gắn kết cho các quốc gia vốn dĩ không muốn đặt niềm tin vào nhau.

HIDEAKI KANEDA, Phó Đô đốc về hưu Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm