“Dường như người đàn bà này gắn chặt đời mình với tù tội, ma túy. Người ta nói nhiều về số phận nhưng tôi không tin. Giá như bà ấy không sinh ra trong con ngõ tối tăm đó, có lẽ cuộc đời của bà đã khác…”. Nói về Phạm Thị Thủy (Thủy “đen”, 60 tuổi, ngụ trong con ngõ 30 Trần Nguyên Hãn, phường Cát Dài, quận Lê Chân), một trinh sát PC47, Công an TP Hải Phòng cảm thán như vậy.
Ngõ ma túy ở đất cảng
Người dân Hải Phòng không lạ với con ngõ trên. Nó cũng như những con đường khác nhưng lại nổi tiếng ở đất cảng vì như một ám ảnh về ma túy.
Ảnh minh họa.
Những năm 1980, gần như những hộ dân ở đây đếu có dính dáng đến ma túy, gắn chặt với ma túy cho đến…. chết. Người ta như quên hẳn tên ngõ mà thay vào đó bằng tên gọi “khu đường tàu”, “ngõ ma túy” đến chết danh cho con ngõ này.
Thủy sống trong một căn nhà nhiều xuyệt ở con ngõ này và cũng không thoát ra cái guồng ma túy, tù tội.
Mà theo lẽ thông thường, nơi nào ma túy, tội phạm hoành hành, chỗ đó sẽ xuất hiện các “đại ca” cùng những hoạt động ngầm. Ngay từ khi còn là cô gái, Thủy “đen” đã được giới giang hồ cộm cán ở Hải Phòng nể trọng vì độ lì, kín tiếng, khẳng khái với các băng nhóm ở đây.
Và việc gì đến đã đến, 23 tuổi, Thủy bị bắt, bị kết án và sau đó liên tục đi tù cho đủ các “nghề” mà người này dính vào: Ma túy, cố ý gây thương tích, chứa mại dâm, trộm cắp và 38 năm qua, chủ yếu người này sống trong tù. Thủy có uy trong giới giang hồ nên khi ra trại, đàn em hoặc những người chịu ơn Thủy lại tìm đến giao “hàng” để đàn chị kiếm cái sinh nhai!
“Hầu hết những đối tượng cộm cán về ma túy đều là người thân, người quen và họ hàng của Thủy “đen”, chịu ơn Thủy vì giữ “luật im lặng”, sòng phẳng khi làm ăn nên được người này rất có uy” - trinh sát bắt giữ Thủy cho hay.
“Khi chuẩn bị bắt giữ, tôi dự đoán những tình huống mà Thủy sẽ phản ứng như kêu la, ném tang vật... nhưng sự thật lại hoàn toàn khác. Cuối tháng 12-2017, khi bắt giữ trên đường, Thủy giữ vẻ mặt lạnh lùng, không thay đổi sắc mặt và rất hợp tác. Thái độ của Thủy làm anh em cảm giác hoang mang: Hay Thủy đã tiêu hủy tang vật? Tuy nhiên khi đưa về phường, người này chỉ nói ngắn gọn: “Chị biết rồi”! và lấy gói ma túy trong túi áo khoác giao cho công an” - trinh sát Đội 2 PC47 kể.
Tăm tối…
Gia đình Thủy có chín anh chị em, Thủy là chị cả. “Là chị cả trong gia đình cha mẹ đều chết vì ma túy, lớn lên trong nghèo đói, khó khăn, cả gia đình đều nghiện ngập, tù tội, Thủy phải cáng đáng mọi việc cho gia đình. Cả một ngõ ma túy ai cũng chịu ơn Thủy” - cán bộ điều tra kể.
Con ngõ nhỏ chết danh với tên gọi "ngõ ma túy".
Theo trinh sát, chồng Thủy đi tù về ma túy, mới chết trong trại giam chưa tròn năm. Ba đứa con của Thủy thì một bị nghiện, dù hai vợ chồng cố gắng tách con khỏi ma túy nhưng không thành. Để tránh vũng lầy tăm tối mà cha mẹ đã lội qua, hai vợ chồng đã tìm mọi cách đưa hai đứa còn lại sang Nga và họ cũng an ủi phần nào vì hai con đang làm nghề cắt tóc, có cuộc sống khá ổn định.
“Khi anh em lấy lời khai, Thủy rất hợp tác và biết rất rõ hành vi phạm tội của mình, cũng như mức án mà bà có thể nhận. Thủy nói bình thản như thể mong chờ vào trại giam để tách ra khỏi ma túy. Thủy còn ở ngoài thì còn phải có trách nhiệm gồng gánh gia đình, họ hàng, người thân mà bà ấy biết làm gì để gánh vác trách nhiệm này? Tôi thật sự cảm thấy thương xót cho bà" - trinh sát nói
Ông tiếp: "Thủy không giải thích, không biện hộ, tỏ rõ thái độ muốn buông xuôi. Chưa rõ tuổi thơ của bà thế nào nhưng qua hồ sơ và những câu chuyện anh em thu thập trong quá trình trinh sát, hình như bà chưa một ngày không phải lo toan…”. Cán bộ điều tra cũng tỏ thái độ thông cảm với người phụ nữ này.
“Hình như bà muốn kết thúc mọi việc ở trong tù” - trinh sát đúc kết.
Đã có nhiều chiến dịch, nhiều cuộc vận động… để làm sạch ma túy trong con ngõ nơi người phụ nữ sinh sống nhưng dường như bất lực.
Số phận tăm tối mà người phụ nữ này gánh chịu phải chăng từ cái môi trường ngột ngạt, mua bán, sử dụng ma túy xung quanh tạo ra?