Điều này khiến chế độ kiểm dịch nghiêm ngặt và theo dõi tiếp xúc trở nên rất quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tờ South China Morning Post cho hay các phát hiện đã được báo cáo trong ấn bản thứ sáu của tạp chí y khoa The Lancet. Báo cáo được thực hiện bởi một nhóm bác sĩ bao gồm chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu Hong Kong, GS Yuen Kwok-yung và dựa trên nghiên cứu về một gia đình bảy người được đưa vào BV Thâm Quyến thuộc ĐH Hong Kong ngày 10-1.
Một nhóm các nhà nghiên cứu y khoa đã báo cáo rằng virus Corona Trung Quốc có thể có mặt ở những bệnh nhân không có dấu hiệu bệnh bên ngoài. Ảnh: Tân Hoa Xã
Sáu thành viên trong gia đình sau đó được chẩn đoán mắc virus Corona - được gọi là 2019-nCoV - đang gây ra báo động ngày càng tăng trên toàn thế giới nhưng không có manh mối nào về sự lây lan của chủng virus này.
Trong số sáu thành viên gia đình bị nhiễm virus, một cậu bé 10 tuổi ban đầu không có triệu chứng bên ngoài nhưng quét CAT ở phổi cho thấy sự bất thường.
Theo như báo cáo trong nghiên cứu này, việc cách ly và theo dõi bệnh nhân phải càng sớm càng tốt vì việc nhiễm virus có thể không đi kèm triệu chứng.
Báo cáo cũng lưu ý rằng hai thành viên khác trong gia đình sau đó được chẩn đoán nhiễm virus Vũ Hán đã không bị sốt khi họ nhập viện.
Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã nâng mức độ tình trạng khẩn cấp của sự bùng phát virus Corona ở Vũ Hán lên cao nhất.
Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Ảnh: SCMP
Bà sẽ đích thân chủ trì một ban chỉ đạo liên ngành, hy vọng sẽ đưa ra các biện pháp chiến lược và các biện pháp khác ngay khi có thể, bà nói trong một cuộc họp báo vào chiều 25-1. Trước đó, bà trở lại Hong Kong sau chuyến thăm một tuần tới Davos, Thụy Sĩ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Ngoài ra, bà Lâm cũng xác nhận thông tin học sinh, sinh viên Hong Kong sẽ có thêm hai tuần nghỉ tết Nguyên đán đến ngày 17-2 trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành.