Hôm nay, hơn 50 năm đọc Những bước chân lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc (NXB Thịnh Ký in năm 1966) - là một quyển tản văn tập hợp những bài viết về Sài Gòn từ thập niên 50 của thế kỷ trước “thấy rằng cái gì xưa là nên thơ. Một quyển sách thuở bé hay gợi nhớ nhiều kỷ niệm êm đềm, một thếp đèn xưa thường tiết ra mùi thơ sầu của thế hệ vừa tàn”và cũng để tự hào rằng Sài Gòn vẫn là Sài Gòn - một Sài Gòn đang phát triển nhưng vẫn không mất đi phần hồn và truyền thống của nó.
Nếu chúng ta có dịp đi trên đường Nguyễn Du, ngã ba Trương Định góc Công viên Tao Đàn sẽ thấy một cái miếu không ra miếu - chùa không ra chùa nhưng tấp nập hương khói những ngày rằm và mùng 1, qua bước chân của Bình Nguyên Lộc thì biết rằng “Cái miễu to hơn hết là cái miễu dưới gốc da trong vườn Tao Đàn tại cửa Trương Công Định. To hơn hết nhưng hẹp hơn cái buồng nhỏ nhứt của bất cứ nhà nào ở các xóm lao động. Bé thế mà xinh xắn lắm, chạm trổ tỉ mỉ và sơn son thếp vàng trông như đồ mã sắp được đốt xuống âm ti.
Miễu này đã có vài năm trước chiến tranh, dưới một hình thức hết sức thô sơ”. Và nguồn gốc cái miễu này là từ một người đàn bà Việt Nam nghèo và một ông quan người Pháp: “Một bà lão từ sáng đến chiều cứ dập đầu lạy gốc da. Thế rồi người ta bu lại khấn vái và cúng lễ, biến gốc da thành cái miễu lộ thiên. Một ông đô trưởng người Pháp, vừa là thi sĩ vừa là cáo già, trông thấy cảnh đó bèn cho hợp thức hóa cái miễu bất hợp pháp ấy.
Là thi sĩ, ông ta nhận thức được cái quyến rũ đối với du khách ngoại quốc của cảnh cúng lạy kia. Ngoại tệ sẽ vào xứ một phần nào nhờ vị thần ấy”.
Rồi nhận xét về sự mị dân của tay quan người Pháp này “Là cáo già, ông ta làm thế nào được lòng dân, tỏ ra ta đây kính nể tín ngưỡng của dân bản xứ lắm!”.
Ông dẫn ta đi tiếp về những cái miễu. “Bé hơn cái miễu cây da vườn Tao Đàn là cái miễu Bịnh viện Bình Dân. Ai đi trên con đường Hai Mươi mà tò mò một chút là thấy ngay cái miễu kỳ dị ấy. Nó to chỉ bằng chiếc thùng thông đựng bốn mươi tám hộp sữa bò, nằm trên đầu của một cây trụ hàng rào nhà thương trông từa tựa như “chùa một cột”.
Miễu đúc bằng xi măng kiên cố thì tức là nhà thương đã chánh thức nhận cho nó nằm đó rồi. Chiều chiều những người nuôi bịnh nằm nhà thương ra đó thắp nhang khấn vái. Sáng sáng, những con bịnh đã khỏi, trước khi rời ngôi nhà cứu tinh này, cũng ra đó mà lễ tạ thánh thần đã phù hộ cho họ qua được cơn nguy. Nếu họ lành bịnh được là nhờ thánh thần, chớ bác sĩ làm gì cãi được mạng trời”.
Dân Sài Gòn thờ phượng người chết bằng chùa, miễu… không hẳn vì dị đoan mà vì tấm lòng nhớ ơn người đi trước đã khai phá để sau này con cháu có mảnh đất “cắm dùi”, an cư lạc nghiệp. “Thành Phiên An ngày xưa rất bé nhỏ nhưng sao mồ mả của dân thành phố ấy lại chiếm hết đất Sài Gòn ngày nay? Đó là vì mả ấy gần sanh phần của trên mười thế hệ người”.
“Sống có cái nhà, chết có cái mả”. Người Sài Gòn lại sống trong những cái nhà cạnh bên những cái mồ của tiền nhân một cách bình thản như sống cùng người thân. “Mồ mả ở Sài Gòn thân mật quá chừng. Người ta sinh hoạt giữa mồ mả như quen biết với ma dữ lắm. Ở cổng xe lửa Mỹ, bên hông nhà thương Từ Dũ có hai ngôi mộ song hồn khá to. Trên mộ có cây mọc. Người ta treo võng dưới tàn cây và những trưa hè, người ta đồng đưa kẽo kẹt trông rất an nhàn. Ngộ nghĩnh nhất là tấm bảng hiệu “hớt tóc” cắm trên đó, cạnh chiếc võng. Khách hớt tóc cứ ra vào cái tiệm lộ thiên ấy mà không chút sợ sệt e dè”.
Sợ sao được khi “Người Việt ta đến Sài Gòn đã trên ba trăm năm rồi, bạn nhớ chớ? Ba trăm năm họ đã cần cù, đau khổ, vui sướng, khóc cười để tạo nên Sài Gòn của bạn ngày nay”.
__________________________
(*) Sài gòn trong mắt nhà văn Bình Nguyên Lộc, tiếp theo tuần trước