Nhà tỉ phú tranh chấp, tổng thống lung lay

Vụ tranh chấp giữa mẹ con bà Liliane Bettencourt, tỉ phú vào hàng nhất nhì của Pháp với gia sản gần 20 tỉ USD, trở thành chuyện quốc gia đại sự, làm chao đảo cả chính quyền Pháp. Nó đưa ra ánh sáng không những “thâm cung bí sử” của một gia đình tỉ phú mà cả những khuyết tật của đời sống chính trị ở Pháp.

Từ chuyện tranh chấp gia đình

Mọi việc bắt đầu từ tháng 12.2007, khi con gái bà Bettencourt (87 tuổi) xin toà bảo vệ mẹ với lý do bà Bettencourt, do tinh thần không còn minh mẫn, bị nhiếp ảnh gia François-Marie Barnier lợi dụng tài chính. Theo đồn đại, giá trị quà cáp bà Liliane tặng cho ông này lên đến cả tỉ USD. Nhưng yêu cầu đó bị ông Philippe Courroye, công tố viên của khu Nanterre từ chối vào tháng 12.2009.

Ông Courroye được bổ nhiệm làm công tố viên ở Nanterre dù không được hội đồng cao cấp thẩm phán đoàn chấp thuận, nên bị nghi là được Tổng thống Sarkozy chống lưng, vì ông này là thân cận của tổng thống.

Ngày 13.6, con gái bà Bettencourt trao cho cảnh sát tư pháp một CD-rom chép lại khoảng bốn mươi giờ ghi lén các cuộc chuyện trò giữa bà Bettencourt với người quản lý gia tài của bà, ông Patrice de Maistre. Ba ngày sau đó, trang web thông tin Mediapart đăng lại một số thông tin đó, gây chấn động nước Pháp.

Thông tin đó nói rằng bà Bettencourt nhiều lần trao tiền cho ông Éric Woerth, khi đó là bộ trưởng Ngân sách nhưng đồng thời cũng là thủ quỹ của đảng cầm quyền UMP, và có 80 triệu euro tiền trốn thuế gửi ngân hàng Thuỵ Sĩ. Bà Bettencourt dùng cả mấy trăm triệu tiền trốn thuế để mua đảo Arros ở Seychelles. Ông Éric Woerth can thiệp để ông Patrice de Maistre nhận vợ của ông Woerth vào làm với số lương thưởng khoảng 200.000 euro mỗi năm.

Ngày 5.7, Mediapart lại đăng phỏng vấn bà Claire Thibout, cựu kế toán viên của gia đình Bettencourt. Bà Thibout cho biết ông Patrice de Maistre trao cho ông Éric Woerth 150.000 euro, dù theo luật một người không thể tài trợ mỗi năm hơn 7.000 euro cho một đảng.

Ông Woerth chối bỏ tất cả thông tin nói trên. Còn nhiều nhà lãnh đạo UMP cũng như Tổng thống Sarkozy tập trung tố cáo các hành động “phátxít” của Mediapart.

Thành chuyện quốc gia đại sự

Từ lâu phe đối lập lên án việc ông Éric Woerth vừa làm bộ trưởng Ngân sách vừa làm thủ quỹ cho UMP vì họ cho là có sự “xung đột lợi ích” giữa hai chức năng. Thế nhưng, cả UMP lẫn Tổng thống Sarkozy đều xem đó là chuyện bình thường cho đến khi ông Woerth từ chức thủ quỹ.

Từ mấy tuần nay, ông Courroye điều tra về vụ “Woerth-Bettencourt”, dù phe đối lập và nghiệp đoàn thẩm phán đòi phải giao việc điều tra cho một thẩm phán dự thẩm, vì với tư cách là công tố viên, ông Courroye lệ thuộc vào bộ Tư pháp, tức là vào chính quyền hiện nay. Hơn nữa, ông Courroye còn liên quan trực tiếp đến vụ này, vì tên ông đã được nhắc đến trong CD-rom nói trên.

Một số vấn đề bị nghi vấn khác là: “Phải chăng vì nhận tài trợ của bà Bettencourt, chính quyền hiện nay làm ngơ trước các hành vi trốn thuế của bà?” và “Phải chăng bộ trưởng Woerth đã lợi dụng chức vị để vợ có chỗ làm tốt?”

Vụ bê bối này trực tiếp làm lung lay ghế của Tổng thống Sarkozy, vì lúc đang tranh cử tổng thống, ông từng tuyên bố nếu thất cử, ông sẽ nhảy ra làm tư nhân kiếm tiền, và nói thẳng: “Tôi ham kiếm tiền”. Đã vậy, ông còn tỏ ra thân thích với giới thượng lưu, và lối sống xa hoa. Vài giờ sau khi đắc cử tổng thống, ông Sarkozy ăn mừng thắng lợi ở nhà hàng Fouquet’s sang nhất Paris với sự tham dự của vài tỉ phú giàu nhất nước Pháp, bạn thân của ông. Vài ngày sau đó, gia đình ông đi nghỉ trên chiếc du thuyền do tỉ phú Vincent Bollaré cho mượn.

Cải cách đầu tiên mà Tổng thống Sarkozy thực hiện là ban hành đạo luật “chống cự thuế má” để giảm thuế cho người giàu.

Triết gia Marcel Gauchet nhận định vụ “Woerth-Bettencourt” còn đe doạ hình ảnh của Tổng thống Pháp dài dài, dù có thể nó sẽ lắng đi trong thời gian tới.

Theo Nguyên Thanh (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm