LTS: Năm 2019 kết thúc với nhiều sự kiện thu hút dư luận và truyền thông quốc tế, trong đó có vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Bước sang năm 2020, liệu các sự kiện, điểm nóng này có tái diễn?
Pháp Luật TP.HCM xin ghi nhận, đánh giá và dự báo về các sự kiện nóng sắp tới này.
Nhận định về những thành quả đạt được trong tiến trình phi hạt nhân hóa khu vực, TS Nguyễn Việt Phương, chuyên gia hạt nhân, cựu nghiên cứu viên tại Trung tâm Belfer, ĐH Harvard (Mỹ), cho rằng năm 2019 là một năm nhiều sự kiện nhưng ít biến chuyển trong quan hệ Mỹ-Triều và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Kỳ vọng nhiều, chuyển biến ít
. Phóng viên: Các hoạt động ngoại giao liên quan vấn đề hạt nhân Triều Tiên năm 2019 rất nhộn nhịp với nhiều kỳ vọng. Ông đánh giá ra sao về kết quả các bên đạt được?
+ Ông Nguyễn Việt Phương: Đúng là năm 2019 có nhiều sự kiện trong quan hệ Mỹ-Triều và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Có điều là tôi thấy ít biến chuyển. Hai bên đã có nhiều cuộc gặp từ cấp chuyên viên cho tới cao nhất là cấp nguyên thủ giữa Donald Trump và Kim Jong-un tại Hà Nội vào tháng 2-2019; và tại khu phi quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên tháng 6-2019. Tuy nhiên, việc đàm phán tính đến cuối năm 2019 vẫn hoàn toàn giậm chân tại chỗ.
. Lý do của sự chậm chạp này là gì, thưa ông?
+ Mỹ kiên quyết không từ bỏ yêu cầu đòi Triều Tiên phải từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân trước khi dỡ bỏ cấm vận. Trái lại, Triều Tiên cũng cứng rắn đòi Mỹ phải có những nhượng bộ tương xứng với việc Triều Tiên tiếp tục hoãn thử hạt nhân hoặc thử tên lửa tầm xa trước khi hai bên có thể tính tới các bước tiếp theo của tiến trình phi hạt nhân hóa.
Ngoài ra, vấn đề hạt nhân Triều Tiên không còn là vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump. Hiện ông Trump bắt đầu phải củng cố sự ủng hộ trong nước và đi vận động tại các tiểu bang để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm sau. Cạnh đó là vô số những trở ngại mà Hạ viện Mỹ thách thức ông Trump, tiêu biểu là tiến trình luận tội tổng thống kéo dài từ tháng 9-2019 cũng khiến ông chủ Nhà Trắng không còn thực sự mặn mà với việc giải quyết triệt để vấn đề Triều Tiên.
. Còn các yếu tố xúc tác nào từ bên ngoài, ví dụ Trung Quốc, Hàn Quốc thì thế nào?
+ Bản thân nhân tố xúc tác chính của đàm phán Mỹ-Triều trong năm vừa qua là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã không còn thực sự hiệu quả. Những động thái ngoại giao con thoi của ông Moon đã không còn tác động được nhiều tới quan điểm của cả phía Mỹ và Triều Tiên.
. Dù chuyển biến chậm nhưng rõ ràng các chuyên gia đều đánh giá cao triển vọng giải quyết hạt nhân Triều Tiên nếu so với bối cảnh thù địch nặng nề giữa các bên trước đây. Theo ông, điểm sáng nào đáng chú ý nhất?
+ Điểm tích cực duy nhất cho đến thời điểm đầu tháng 12-2019 là việc Triều Tiên tiếp tục duy trì chính sách không thử vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo. Chính vì điều này, tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2019 có thể coi là tương đối ổn định, cho dù vẫn có một số cuộc thử tên lửa tầm ngắn hay gần đây nhất là thử động cơ đẩy do Triều Tiên tiến hành tại bãi thử Tongchang-ri. Bãi thử này vốn từng được coi là đã bị phá hủy một phần từ năm 2018.
Tổng thống Donald Trump (trái) gặp Chủ tịch Kim Jong-un tháng 2-2019 tại Hà Nội. Ảnh: AFP
Cần lưu ý rằng tình trạng hòa hoãn này có thể tiếp tục duy trì hay không lại là một câu hỏi mở. Thời gian qua Triều Tiên đã ra tối hậu thư với Mỹ về việc phải nhượng bộ trong đàm phán ngay trong năm 2019 này nếu không muốn nhận một món “quà Giáng sinh” không trông đợi vào cuối năm. Vậy nên vẫn sẽ phải đợi tới những động thái tiếp theo của ông Kim Jong-un trong thời gian gần tới đây.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần ba?
. Năm 2020, với những gì đã diễn ra, liệu thượng đỉnh Trump-Kim lần ba có thể diễn ra?
+ Điều này sẽ phần lớn phụ thuộc vào ông Trump bởi ông Kim Jong-un gần như đã đưa ra toàn bộ những nhượng bộ “có thể chấp nhận được” ở thời điểm hiện tại nếu nhìn từ phía Triều Tiên. Trong trường hợp tình hình chính trị trong nước đòi hỏi ông Trump phải có một bước đột phá trong chính sách đối ngoại để thu hút phiếu bầu của cử tri trong nước cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11-2020 thì nhiều khả năng sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần ba.
Nếu tình hình chính trị nội bộ ở Mỹ tiếp tục ở trong trạng thái cân bằng như hiện tại (với việc mức độ ủng hộ ông Trump vẫn duy trì ở mức 40%) và nếu Hạ viện không đưa ra được biện pháp hiệu quả nào khác để tác động tới vị thế chính trị vẫn còn tương đối vững chắc của ông Trump thì ông chủ Nhà Trắng không có nhiều lý do để gặp ông Kim.
Thách thức lớn nhất của đàm phán hạt nhân Triều Tiên vẫn là việc hai bên có khác biệt quá lớn trong quan điểm về thứ tự các bước cần thiết cho quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đây là thách thức hai bên Mỹ và Triều Tiên đã không thể vượt qua ở ngay thời điểm tốt nhất trong quan hệ hai nước - giai đoạn hậu Thượng đỉnh Singapore năm 2018. TS NGUYỄN VIỆT PHƯƠNG, chuyên gia hạt nhân |
. Trong tình hình chính trị Mỹ hiện nay, đâu sẽ là những rào cản với thượng đỉnh?
+ Chúng ta nên nhớ rằng cuộc gặp Hà Nội diễn ra và không có tuyên bố chung phần lớn xuất phát từ các động thái của ông Trump liên quan tới cuộc điều tra của công tố viên Mueller. Tệ hơn nữa, nếu ông Kim mất kiên nhẫn và tiến hành thử tên lửa đạn đạo hoặc thậm chí là vũ khí hạt nhân trong năm 2020 thì khả năng gặp gỡ giữa hai bên sẽ còn thấp hơn vì ông Trump sẽ muốn chứng minh bản thân là một lãnh đạo cứng rắn trong thời điểm cần hút phiếu của các cử tri còn lưỡng lự chưa biết bầu cho phe nào.
. Quay lại bên thứ ba gồm Hàn Quốc, Trung Quốc… Liệu họ có tác động tích cực để có thể dẫn đến thượng đỉnh lần ba?
+ Tổng thống Moon Jae-in trong năm mới 2020 nhiều khả năng cũng sẽ không còn tạo được đột phá nào trong việc hàn gắn quan hệ giữa người láng giềng phía Bắc và đồng minh chính bên kia bờ đại dương. Lý do là vì khác biệt trong quan điểm đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên quá lớn. Cạnh đó, ông Moon cũng gặp các rắc rối nội bộ, điển hình là các cuộc khủng hoảng nhỏ về chính trị như việc Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk - cộng sự thân tín của ông Moon phải từ chức chỉ ít lâu sau khi được bổ nhiệm vì những bê bối cá nhân. Vì vậy ông Moon khó lòng có thể toàn tâm toàn ý vun đắp cho cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo giữa ông Trump và ông Kim.
Nhân tố có thể gây ra bất ngờ đó là Trung Quốc, vốn có quan hệ truyền thống với Triều Tiên và đang cố làm ấm lại mối bang giao hai nước. Hiện cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có lối ra, đồng thời Trung Quốc còn đang đau đầu với vấn đề Tân Cương, Hong Kong, suy thoái kinh tế. Vậy nên không có nhiều lý do để Chủ tịch Tập Cận Bình đóng vai trò tích cực trong việc kéo Mỹ và Triều Tiên xích lại gần nhau.
Cơ hội lớn nhất của đàm phán Mỹ-Triều Cơ hội lớn nhất cho các bên ở thời điểm hiện tại có lẽ vẫn nằm ở việc Triều Tiên hiện vẫn có thiện chí trong việc tạm dừng gia tăng căng thẳng thông qua các vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo. Trong bối cảnh này, cách tốt nhất là các tổ chức quốc tế như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tìm cách hàn gắn đàm phán hạt nhân Triều Tiên. Có thể tiến hành các hướng đàm phán nhỏ, mang tính kỹ thuật nhưng dễ đưa ra đồng thuận hơn như vấn đề chia sẻ thông tin, đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạt nhân Triều Tiên. Cần lưu ý IAEA vừa có một lãnh đạo mới, người vốn được coi là một nhà ngoại giao khá linh hoạt và tích cực, là Rafael Mariano Grossi. Là người Argentina, Grossi hiểu hơn ai hết việc chính các đàm phán liên quan tới trao đổi thông tin về chương trình hạt nhân đã kéo Argentina và Brazil lại gần nhau sau nhiều năm căng thẳng thời thập niên 1980. |