Nội các Nhật Bản ngày 22-12 đã thông qua ngân sách cho năm tài khóa 2018 bắt đầu từ ngày 1-4-2018, theo Reuters.
Cụ thể, là mức tăng kỷ lục trong năm thứ sáu liên tiếp, ngân sách tài khóa 2018 của Nhật Bản đã lên tới 97,71 ngàn tỉ yên (tương đương 861,8 tỉ USD). Trong đó, 32,97 ngàn tỉ yên (290,79 tỉ USD) sẽ được chi cho an sinh xã hội và 5,19 ngàn tỉ yên (45,77 tỉ USD) sẽ được dùng cho chi tiêu quốc phòng.
Mức ngân sách quốc phòng 5,19 ngàn tỉ yên đã tăng 1,3% so với ngân sách quốc phòng được thông qua năm ngoái và cũng đánh dấu mức tăng cao nhất trong sáu năm qua dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe.
Ngân sách quốc phòng tăng kỷ lục được thông qua giữa bối cảnh Tokyo tăng cường năng lực phòng thủ để đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên. Chưa đầy một tháng trong năm nay (hôm 29-8 và 15-9), Bình Nhưỡng đã phóng hai quả tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật, gây đe dọa cho an ninh Tokyo.
Các binh sĩ Nhật đi cạnh các bệ phóng tên lửa được lắp ở thủ đô Tokyo. Ảnh: AFP
“Điều thiết yếu hiện nay là chúng tôi phải sở hữu các thiết bị mới nhất và tiên tiến nhất để tăng cường năng lực phòng thủ của chúng tôi” – Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera phát biểu sau khi ông và các thành viên nội các khác thông qua ngân sách mới.
Ngân sách tài khóa 2018 được thông qua chỉ vài ngày sau khi Nhật Bản hôm 19-12 thông qua kế hoạch mua thêm hai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore trên đất liền nhằm đối phó mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày một tăng từ Triều Tiên.
Trong ngân sách trên, hơn 2 tỉ yên sẽ được dùng để mua tên lửa hành trình có tầm bắn 500 km từ Na Uy. Các tên lửa này sẽ được tích hợp cho các chiến đấu cơ tàng hình F-35. Hồi đầu tháng này, ông Onodera còn tuyên bố Tokyo có thể sẽ mua các tên lửa có tầm bắn 900 km từ Mỹ.
Nhật Bản hiện sở hữu hệ thống phòng thủ hai lớp. Lớp đầu tiên là các tàu khu trục trên biển được tích hợp hệ thống chiến đấu Aegis và hệ thống đánh chặn tên lửa SM-3 của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF). Lớp thứ hai là hệ thống tên lửa Patriot PAC-3 trên đất liền của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật (ASDF).
Nhật cũng sẽ đầu tư mua các tên lửa đánh chặn tầm xa SM-3 Block IIA cho Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật (GSDF) vận hành. SM-3 Block IIA là hệ thống đánh chặn mới nhất và tiên tiến nhất được Tokyo và Washington phát triển chung.
Việc Nhật tăng chi tiêu quân sự cũng phản ánh lo ngại của nước này trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng Tokyo và Seoul cần bỏ tiền mua thêm vũ khí từ Washington để đóng vai trò lớn hơn trong việc đối phó các mối đe dọa trong khu vực.
Tuy nhiên, hiến pháp hòa bình Nhật Bản hiện giới hạn việc dùng vũ lực để tự vệ. Hiến pháp chỉ cho phép quân đội Nhật bắn hạ các tên lửa bay về phía lãnh thổ Nhật Bản hoặc các mảnh vỡ tên lửa rơi trên lãnh thổ Nhật. Do đó, việc Tokyo muốn sở hữu các vũ khí có tầm hoạt động có khả năng dùng cho mục đích “tấn công” hiện cũng gây nhiều tranh cãi.