Nhật công bố Sách trắng quốc phòng, cảnh báo về quan hệ hợp tác quân sự Nga-Trung

(PLO)- Trong Sách trắng quốc phòng 2022, Nhật cảnh báo việc Nga bị cô lập do cuộc chiến ở Ukraine có thể khiến Moscow ngày càng xích lại gần Bắc Kinh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-7, Nhật đã công bố Sách trắng quốc phòng năm 2022, đề cập nhiều điểm đáng chú ý, đặc biệt về mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc (TQ), tờ Financial Times đưa tin.

Quan hệ hợp tác quân sự Nga-Trung

Trong Sách trắng quốc phòng 2022, được chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida thông qua, Nhật nhấn mạnh viễn cảnh một Moscow trong thế bị cô lập do cuộc chiến ở Ukraine có thể ngày càng xích lại gần Bắc Kinh.

“Đối với Nga - quốc gia bị cô lập trên trường quốc tế và chịu nhiều tổn thất trên chiến trường, tầm quan trọng của việc hợp tác chính trị và quân sự với TQ có thể tăng lên” - trích nội dung Sách trắng. Nhật còn nhấn mạnh sự cần thiết phải "theo dõi trên tâm thế quan ngại” các hoạt động của các lực lượng Moscow.

TQ và Nga đã tiến hành các cuộc tập trận chung máy bay ném bom hạt nhân trên biển Nhật Bản hàng năm kể từ năm 2019. Theo Financial Times, hồi tháng 5, Tokyo đặc biệt quan ngại khi các máy bay ném bom chiến lược của cả Nga và TQ diễn tập hiệp đồng gần Nhật. Cuộc diễn tập được thực hiện ngay lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự hội nghị thượng đỉnh “Bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD - liên minh giữa Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ) tại Tokyo.

Các thành viên Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật trong một cuộc diễn tập quân sự trên đảo Miyako, tỉnh Okinawa hồi tháng 4. Ảnh: REUTERS
Các thành viên Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật trong một cuộc diễn tập quân sự trên đảo Miyako, tỉnh Okinawa hồi tháng 4. Ảnh: REUTERS

Cuộc xung đột Nga-Ukraine và tác động đến châu Á

Nhật nhấn mạnh tác động lâu dài có thể xảy ra của cuộc chiến ở Ukraine đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong Sách trắng quốc phòng 2022, đặc biệt là đối với châu Á, theo tờ The Japan Times.

Theo Sách trắng, nếu hành động của Nga được bỏ qua, điều đó có thể tạo ra nhận thức sai lầm rằng những hành động đơn phương thay đổi hiện trạng là được cho phép ở các khu vực khác, bao gồm châu Á. “Cộng đồng quốc tế, bao gồm Nhật, không được dung thứ cho những hành động như vậy” - Sách trắng có đoạn viết.

Sách trắng cho biết rằng kết quả chiến sự hiện vẫn là điều không thể đoán trước, do đó Tokyo "cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến liên quan".

Vấn đề Đài Loan

Trong Sách trắng quốc phòng năm nay, Nhật tiếp tục đề cập tầm quan trọng của sự ổn định xung quanh Đài Loan, trong đó nói rằng Tokyo “phải hết sức chú ý đến tình hình, với một tinh thần cảnh giác thậm chí còn lớn hơn”. Quan điểm này được đề cập lần đầu tiên trong Sách trắng quốc phòng 2021 và vấp phải phản ứng quyết liệt từ Bắc Kinh.

Trong những năm gần đây, TQ - vốn coi Đài Loan là bộ phận của đại lục và sẽ được thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết - đã tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh Đài Bắc, chẳng hạn như điều các tiêm kích hiện đại, oanh tạc cơ, tàu chiến và tàu sân bay di chuyển trên các vùng biển gần hòn đảo.

“Đài Loan nằm rất gần các hòn đảo phía tây nam của đất nước chúng tôi và chỉ cách đảo Yonaguni (phía tây Nhật) khoảng 110 km. Nó nằm ở ngã ba Biển Đông, eo biển Ba Sĩ và biển Hoa Đông, đối diện với các tuyến đường biển quan trọng của Nhật. Vì những lý do này, sự ổn định tình hình xung quanh Đài Loan không chỉ quan trọng đối với an ninh của Nhật, mà còn đối với sự ổn định của cộng đồng quốc tế” - theo Sách trắng.

Vấn đề Triều Tiên

Theo The Japan Times, sách trắng đề cập hoạt động thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Sách trắng cũng ám chỉ rằng nước này sẽ xem xét một quyết định gây tranh cãi về triển khai "năng lực phản công" và sử dụng nó như một biện pháp răn đe đối với các hệ thống tên lửa ngày càng tiên tiến của TQ và Triều Tiên.

Theo The Japan Times, đây là lần đầu tiên cụm từ là “năng lực phản công” được đề cập trong Sách trắng quốc phòng Nhật.

“Nhật đã và đang phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, chúng tôi đang cân nhắc tất cả lựa chọn khi xây dựng Chiến lược An ninh Quốc gia mới dựa trên câu hỏi liệu chúng tôi có thể thực sự bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân bằng cách cải thiện năng lực đánh chặn của chúng tôi hay không” - trích Sách trắng.

Sách trắng còn đề cập chi tiêu quốc phòng của Nhật, lưu ý rằng Nhật có tỉ lệ chi tiêu quốc phòng trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thấp nhất trong nhóm G7 (nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới), và thấp hơn so với cả Úc và Hàn Quốc. Theo Financial Times, trong 50 năm qua, Nhật đã giới hạn chi tiêu quốc phòng ở mức khoảng 1% GDP. Đảng Dân chủ Tự do - đảng cầm quyền ở Nhật - đã cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, lên mức 2%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm