Nhật tăng trừng phạt Nga, đại sứ Mỹ ở Tokyo cho dân tị nạn Ukraine vô ở tư dinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chính phủ Nhật ngày 18-3 thông báo sẽ áp đặt trừng phạt đối với 15 cá nhân và chín tổ chức Nga, bao gồm các quan chức quốc phòng và tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport.

Trụ sở tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport ở Moscow. Ảnh: REUTERS

Các biện pháp trừng phạt, bao gồm phong tỏa tài sản, là biện pháp mới nhất của Nhật kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24-2. Hiện các biện pháp trừng phạt của Nhật nhắm vào 76 cá nhân, bảy ngân hàng và 12 tổ chức tại Nga, hãng tin Reuters dẫn thông báo của Bộ Tài chính Nhật cho biết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova và một số nhà sản xuất thiết bị quân sự, chẳng hạn như United Aircraft Corp, chuyên sản xuất máy bay chiến đấu, nằm trong số những đối tượng bị trừng phạt trong các biện pháp đưa ra hôm 18-3.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ đọc diễn văn trước Quốc hội Nhật vào tuần tới, cựu Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono - người hiện phụ trách quan hệ công chúng cho đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật – cho biết.

Nga nói chiến dịch quân sự đặc biệt của họ ở Ukraine không nhằm chiếm giữ lãnh thổ mà để hủy diệt khả năng quân sự của nước láng giềng và bắt giữ những phần tử theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm.

Đại sứ Mỹ tại Nhật, ông Rahm Emanuel nói hành động của Nhật là “bắn trúng trọng tâm cỗ máy chiến tranh của Nga” và ông ngỏ lời cho người tị nạn Ukraine tạm trú tại tư dinh của ông cho đến khi họ tìm được chỗ ở lâu dài tại Nhật.

Nhật lâu nay ít khi nhận người tị nạn nhưng đang chuẩn bị tiếp nhận những người sơ tán từ Ukraine, 47 người đã đến Nhật kể từ khi chiến tranh bùng nổ.

Tuần này, một máy bay chở hàng của không lực Mỹ đã vận chuyển tới Ukraine nón sắt và những trang bị quân sự phi sát thương do Nhật trao tặng.

Là một đồng minh chính của Mỹ tại châu Á, Nhật vẫn còn nhiều cổ phần trong những dự án khí đốt và dầu mỏ trên đảo Sakhalin của Nga, sau khi các công ty năng lượng lớn như Shell và Exxon Mobil đã rút đi.

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida không đưa ra dấu hiệu rõ ràng về số phận đầu tư của Nhật vào các dự án nói trên, nhấn mạnh cả tầm quan trọng của chúng đối với an ninh năng lượng của nước này và ý định tuân thủ các lệnh trừng phạt của các nước trong nhóm G7 đối với Nga.

Đại sứ Nga tại Nhật Mikhail Galuzin cho biết việc duy trì các dự án năng lượng “đôi bên cùng có lợi” ở Sakhalin là điều hợp lý.

Hãng tin Jiji Press cho hay Nhật cũng không có ý định cấm hải sản Nga.

Hải sản chiếm 9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật từ Nga, trong đó nước này chủ yếu dựa vào các mặt hàng như nhím biển và cua đông lạnh, tổ chức phi lợi nhuận Japan Forum on International Relations cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm