Nhật và Ấn Độ nỗ lực hàn gắn rạn nứt trong G7 và G20

(PLO)- Nhật và Ấn Độ lần lượt giữ vai trò Chủ tịch của khối G7 và G20, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu và hàn gắn những rạn nứt của các thành viên trong khối.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo trang Nikkei Asia, trong năm 2023, Ấn Độ và Nhật lần lượt đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và chức Chủ tịch Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7).

Vậy nên, sự hợp tác chặt chẽ giữa Ấn Độ và Nhật trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu và hàn gắn những rạn nứt giữa các thành viên trong khối với nhau.

Ấn Độ và Nhật trước những kỳ vọng trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 và G7

Theo Nikkei, tầm quan trọng của khối G20 phản ánh qua sức mạnh kinh tế khi các nước thành viên chiếm hơn 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, 75% hoạt động thương mại và hơn 60% dân số thế giới. Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 là cơ hội để nhấn mạnh vị thế mới nổi của Ấn Độ với tư cách là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới.

Thủ tướng Nhật Kishida Fumio (bên phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên trái) trong cuộc gặp hồi tháng 3-2022, tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AP

Thủ tướng Nhật Kishida Fumio (bên phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên trái) trong cuộc gặp hồi tháng 3-2022, tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AP

Theo đó, chức chủ tịch G20 mang tới cho Ấn Độ cơ hội là nước chủ nhà tổ chức các chương trình nghị sự hợp tác toàn cầu khi thế giới vừa thoát khỏi những ảm đạm của đại dịch COVID-19. Là một phần trong nhiệm kỳ của mình, Ấn Độ dự kiến tổ chức khoảng 200 cuộc họp của G20 tại các thành phố trên khắp đất nước nhằm đưa Ấn Độ trở thành một nhân tố quan trọng trong các chủ đề toàn cầu, theo The Hindu Times.

Ngoài ra, Ấn Độ còn là nước ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, tích cực tham gia các diễn đàn về các vấn đề toàn cầu như hạn chế vũ khí hạt nhân, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, và tuân thủ quy tắc thương mại toàn cầu. Vậy nên, với cương vị là Chủ tịch của G20, Ấn Độ chắc chắn sẽ tận dụng cơ hội này để nêu lên những mối quan ngại của mình trước những vấn đề trên.

Trong khi đó, năm 2023 được xem là một dấu mốc quan trọng với Nhật khi nước này vừa giữ vai trò là Chủ tịch của G7 vừa bắt đầu nhiệm kỳ của Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Theo Nikkei, trong suốt thời gian vừa qua, Thủ tướng Nhật Kishida Fumio đã có chuyến thăm tới nhiều nước thành viên thuộc khối G7. Chuyến công du của ông ngoài mục tiêu thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương, nó còn cho thấy ông Fumio đang chuẩn bị rất kỹ cho nhiệm kỳ Chủ tịch G7, khi ông dự kiến sẽ có các cuộc bàn thảo, thống nhất ý kiến với các nhà lãnh đạo khác về những nội dung sẽ xuất hiện trong Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của nhóm.

Theo đài NHK, ưu tiên hàng đầu của Nhật trước cương vị Chủ tịch G7 là sẽ tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh trên, đồng thời hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu được đề ra, và tạo ra dấu ấn mạnh mẽ cho nước Nhật trên trường quốc tế.

Những năm gần đây, Nhật luôn thể hiện bản thân là thành viên tích cực, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương cũng như hành động của nhóm G7, và điều này sẽ thể hiện rõ hơn khi Nhật giữ vai trò là chủ tịch trong năm nay.

Theo đó, các nhà quan sát cho rằng Nhật sẽ tập trung kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án các hành vi gây xung đột quốc tế bằng vũ lực, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì pháp quyền và trật tự quốc tế, đồng thời thúc đẩy các bên hợp tác để tạo nên một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng.

Ngoài những vấn đề trên, theo Nikkei, các mối quan ngại liên quan tới chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên và các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc có thể sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhật.

Nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên trong khối

Trong bối cảnh căng thẳng về kinh tế và địa chính trị ngày càng nghiêm trọng, nỗ lực hàn gắn của Ấn Độ và Nhật sẽ càng trở nên khó khăn hơn, song hai nước vẫn được giới quan sát kỳ vọng rằng sẽ giúp được hai nhóm hòa giải các căng thẳng thông qua việc tập trung vào một số vấn đề chính yếu, theo Nikkei.

Thứ nhất, hai nước được cho là sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến kinh tế, tài chính và sức khỏe, bởi đây là lĩnh vực vô cùng quan trọng với các thành viên của cả hai nhóm. Cụ thể, giải quyết được vấn đề này sẽ giúp hai khối đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine, đồng thời hỗ trợ các nước kém phát triển đang gặp khó khăn về nợ nước ngoài do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Thứ hai, hai nước cần tập trung vào các cam kết giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh. Theo đó, các nước trên thế giới có thể học hỏi mô hình phát triển công nghệ tái tạo của Nhật và Ấn Độ, vốn được xem là thế mạnh của hai nước, để có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các hiện tượng trên mang lại.

Cuối cùng, hai nước cần tập trung xem xét các khoản đầu tư cho tương lai. Cụ thể, hai nước có thể hợp tác cùng thúc đẩy phát triển một quỹ quốc tế, thu hút các nước có cùng chí hướng để thực hiện các dự án mang tính lâu dài, ổn định cho tương lai, như xây dựng kho dự trữ lương thực, cung cấp các dịch vụ công nghệ tiên tiến và thúc đẩy hệ thống sản xuất năng lượng quy mô lớn để đảm bảo một số vấn đề an ninh về chuỗi cung ứng cho các thành viên trong khối nói riêng và cho thị trường thế giới nói chung, Nikkei đưa tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm