Chúng tôi thử đi khảo sát bằng xe máy trên quốc lộ (QL) 1A từ ranh giới hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vào đến huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Chỉ một đoạn đường trên nhưng có hàng chục điểm đầy ổ gà, ổ voi và có cả trăm vị trí mặt đường hằn lún. Ngoài ra, có nhiều vị trí xuất hiện khe co giãn trên mặt cầu vô cùng nguy hiểm.
Người đi đường liên tục bị té
Đặc biệt đoạn qua ngã tư Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), mặt đường bị lún sụt nghiêm trọng tạo ra độ chênh lệch cao, nhiều điểm xuất hiện rãnh ngang, dọc sâu hơn 20 cm khiến người đi xe máy liên tục té khi đi qua.
Trích xuất camera an ninh khu vực này chỉ trong các ngày 28, 29, 30-4 và 1-5 đã có hàng loạt vụ người điều khiển xe máy bị té sóng xoài trên mặt đường trông rất thương tâm. Thực tế các vụ chúng tôi ghi hình lại chỉ bị xây xát là còn quá may mắn, vì nếu bất ngờ các phương tiện ô tô lưu thông từ phía sau lao tới, không xử lý kịp sẽ xảy ra những vụ tai nạn khôn lường.
Ông NVĐ, nhà ở sát khu vực này, cho biết ngày nào ông cũng chứng kiến những người chở con cháu đi học bị té. “Phản ảnh, đề xuất, kiến nghị mãi không thấy ai tới sửa chữa, sau đó chúng tôi phải dùng sơn vẽ lên những vị trí nguy hiểm rồi mua cát, xà bần chờ vắng xe đổ vào các ổ gà, ổ voi nhưng rồi đâu vẫn vào đó. Giờ người dân địa phương ít gặp nạn hơn vì đã quen đường, cảnh giác, còn khách vãng lai đi xe máy ngang qua khu vực này ngày nào cũng té rất tội nghiệp” - ông Đ. nói.
Còn ông Sáu, nhà ở cạnh mặt đường, sát ngã tư Hàm Thắng thì lo lắng trời mưa các ổ gà, ổ voi bị lấp đầy nước, người điều khiển xe liên tục bị sụp rồi té sấp mặt. “Ban đêm, tôi lúc nào cũng không ngủ được vì xe tải, xe container chạy ngang vấp các ổ gà, ổ voi giật đùng đùng, cứ lo chẳng may tài xế lạc tay lái lao vào nhà” - ông Sáu nói.
Tính mạng người đi đường luôn bị đe dọa bởi những cú té như thế này. Mặt đường hằn lún sâu rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông (ảnh nhỏ). Ảnh: PHƯƠNG NAM
Đã từng xử phạt nhà thầu
Trao đổi với PV, ông Bùi Duy Anh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT), cho biết liên tiếp từ tháng 12-2018 đến tháng 4-2019, ông đã ký rất nhiều văn bản gửi Ban quản lý dự án Thăng Long, đơn vị đại diện chủ đầu tư dự án (thuộc Bộ GTVT). Các văn bản này đều nêu rõ hàng chục vị trí xuống cấp, hư hỏng trên mặt đường QL1, gây mất an toàn giao thông và đề nghị ban quản lý dự án chỉ đạo các nhà thầu sửa chữa, khắc phục. Tuy nhiên, văn bản gửi đi nhưng lại rơi vào im lặng.
5.118 tỉ đồng là tổng mức đầu tư dự án xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Bình Thuận dài 73 km. Dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ với 10 gói thầu xây lắp. |
Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận, cho biết dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Bình Thuận có nhiều nhà thầu thi công, trong đó đoạn qua ngã tư Hàm Thắng, nhà thầu là Tổng Công ty Xây dựng đường thủy. “Trong thời gian thi công, nhà thầu này ít nhất hai lần đã bị đoàn liên ngành của tỉnh Bình Thuận xử phạt. Hiện nay các đoạn đường hư hỏng, xuống cấp. Dự án nâng cấp QL1 vẫn còn trong thời gian bảo hành và các nhà thầu phải có trách nhiệm khắc phục, sửa chữa. Chúng tôi sẽ cùng với Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 tiếp tục đề nghị Ban quản lý dự án Thăng Long có trách nhiệm yêu cầu các nhà thầu thực hiện” - ông Thanh khẳng định.
Sở GTVT yêu cầu nhà thầu sớm khắc phục Ngày 5-5, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, cho biết trước tình trạng người tham gia giao thông bằng xe máy liên tục té do nền đường QL1A nhiều đoạn xuống cấp, hư hỏng, Sở sẽ yêu cầu Ban An toàn giao thông, Cục Quản lý đường bộ 4 cấp bách có giải pháp. “Ngoài việc yêu cầu các nhà thầu có trách nhiệm khắc phục, sửa chữa. Trước mắt cần phải nghiên cứu cắm biển hiệu để cảnh báo bởi chậm một ngày là tính mạng, tài sản của biết bao người tham gia giao thông phải đối mặt với nguy hiểm” - ông Nam bức xúc nói. |