Dự luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có đưa vào quy định các loại ô tô, xe máy phải có bộ lọc khí thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo đó, nhiều người lo lắng bởi phần lớn ô tô, xe máy cũ hiện nay đều không có bộ lọc này.
Băn khoăn lắp bộ lọc khí thải
Theo khảo sát của PV, hiện nay nhiều người dân không biết đến bộ lọc khí thải ô tô, xe máy.
Anh Chu Văn Hòa (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: “Khi đi sửa chữa, bảo dưỡng xe máy, tôi chưa nghe ai nói về bộ lọc khí thải này bao giờ. Tôi cũng phân vân nếu lắp bộ lọc này thì lắp ở đâu, giá cả thế nào”.
Tương tự, chủ một cửa hàng sửa chữa xe máy trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi cũng không biết về bộ lọc khí thải. Ở đây người dân chủ yếu sửa chữa những bộ phận cơ bản của xe như lốp, phuộc và động cơ, chứ không thấy ai hỏi về bộ phận lọc khí thải”.
Ông Dương Tiến Thự, Chủ nhiệm HTX Taxi 27/7, cho rằng việc áp dụng hệ thống lọc khí thải đối với ô tô, xe máy là điều nên làm.
“Tuy nhiên, chưa biết được kết cấu và cách sử dụng hệ thống lọc này thế nào, chỉ sợ sử dụng được một thời gian ngắn thì gây tốn kém” - ông Thự nói.
Ông Thự cũng cho rằng dù việc lắp hệ thống lọc là cần thiết nhưng cơ quan chức năng nên cho thí điểm một thời gian, đảm bảo công ty sản xuất phù hợp cho các loại xe sử dụng. Chất lượng của bộ lọc phải được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng hoặc một đơn vị nào đó kiểm định để đảm bảo chất lượng.
Đại diện một hãng xe máy cũng khuyến cáo người sử dụng không nên lắp bất cứ linh kiện, phụ tùng nào mà không được nhà sản xuất kiểm định. Vì hiện nay chưa chính thức áp dụng quy định này mà thêm bộ lọc khí thải này đồng nghĩa với việc phải cắt tháo ống pô dẫn đến không đảm bảo an toàn kỹ thuật.
Vị này cũng cho biết khi có thông tin chính thức, nhà sản xuất cũng sẽ nghiên cứu phương án phù hợp theo quy định.
Dự luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đưa vào quy định các loại xe cộ phải có hệ thống lọc khí thải. Ảnh: HOÀNG GIANG
Lắp màng lọc là điều nên làm
Chuyên gia ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng thông tin: “Khí do xe gắn máy, ô tô thải ra đều có thể được giảm thiểu đến 98% nhờ công nghệ kỹ thuật (đã áp dụng rộng rãi ở châu Âu, Mỹ, Nhật, Singapore). Việc sử dụng bộ lọc khí thải có thể giảm 50%-60% lượng khí thải trong vòng 3-4 năm là điều có thể làm được”.
Đồng thời, ông Đồng cho biết nếu lắp bộ lọc này, chi phí bỏ ra là hoàn toàn thấp so với lợi ích tích cực về sau.
Cụ thể, sản phẩm mà ông Đồng đang đề cập gọi là catalyst (bộ xúc tác) có khả năng giảm thiểu 60%-98% lượng khí thải tùy theo loại xe và loại khí thải.
Theo ông Đồng, bộ xúc tác này đã được thử nghiệm thành công ở ĐH Bách khoa Hà Nội và Đà Nẵng. Giá thành cho một bộ xúc tác là 12-16 USD (khoảng 276.000-368.000 đồng) tùy theo tình trạng kỹ thuật xe.
“Việc cấy vào hệ thống ống xả của xe máy hay ô tô một cách đơn giản mà không cần thay đổi kích cỡ của ống xả. Công nghệ này có thể áp dụng được cho tất cả xe mới hay cũ” - ông Đồng phân tích.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho rằng: Khi lắp bộ lọc khí thải, cái lợi trước mắt là khí thải phát ra sẽ không có độc.
Theo TS Dũng, hệ thống lọc này đã bao gồm các chất xúc tác trên màng lọc, để các chất độc sinh ra từ khí thải động cơ áp dụng với nhau sinh ra những chất không độc và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Vì lợi ích của môi trường thì chúng ta cũng nên làm” - TS Dũng nói.
Theo thông tin của tôi, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang thí điểm phối hợp với các nhà sản xuất xe gắn máy thu mua xe cũ lấy xe mới với giá ưu đãi, tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân. Đối với người dân có thu nhập thấp nên có lộ trình và phương án khả thi. Ông NGUYỄN VĂN PHƯƠNG, Phó phòng Chất lượng xe cơ giới, |
Xe quá cũ nên làm gì?
Về mặt bất lợi, TS Dũng cho rằng khi lắp màng lọc, đường pô thoát ra được thì sẽ tạo áp suất ngược đẩy về xylanh làm giảm công suất của xe.
Cụ thể, màng lọc là những lỗ như tổ ong, trong điều kiện vận hành nếu chiếc xe dư xăng hay bảo dưỡng không tốt thì những khối bụi carbon sẽ bám lại làm nghẹt pô, dẫn đến giảm công suất.
Ngoài ra, khi lắp màng lọc, chất lượng của xăng dầu cũng ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ của các bộ phận liên quan. Trong điều kiện Việt Nam chưa kiểm soát được chất lượng xăng dầu, đặc biệt loại xăng có chì, chất lỏng sẽ làm cho tuổi thọ của màng lọc chỉ được khoảng 2-3 năm.
TS Dũng lưu ý đối với các loại xe quá cũ khi lắp màng lọc sẽ không mang lại hiệu quả cao. Bởi khi trang bị màng lọc là chiếc xe phải gắn với hệ thống điều khiển động cơ, lập trình điều chỉnh nhiên liệu ở mức lamda bằng 1 thì hiệu suất của bộ lọc mới cao.
Vì vậy, việc lắp bộ lọc này nên xuất phát từ nhà sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho rằng: Lắp bộ chuyển đổi xúc tác không đơn giản cả về kỹ thuật lẫn về kinh tế.
Ở góc độ chuyên gia, ông Phương cho rằng lắp bộ lọc khí thải là việc cần làm để bảo vệ môi trường. Việt Nam cũng đang bắt buộc đối với các loại xe mới để đảm bảo tiêu chuẩn khí thải. Còn đối với xe cũ mà người dân đang chạy thì không nên hồi tố. Đến tầm nào đó người dân không sử dụng nữa thì sẽ thay đổi xe mới.
Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Nhằm hạn chế phát thải các khí độc hại gây ô nhiễm không khí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 49/2011 quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô, mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Cụ thể: Các loại ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và mức 5 như sau: - Tiêu chuẩn khí thải mức 4 từ ngày 1-1-2017. - Tiêu chuẩn khí thải mức 5 từ ngày 1-1-2022. Các loại mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3 từ ngày 1-1-2017. Đồng thời, Thông tư 59/2018 của Bộ GTVT hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. |