Sẽ có lộ trình kiểm soát khí thải cho xe máy, ô tô cũ
Chiều 8-6, Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) đã tổ chức cuộc tọa đàm về dự án Luật bảo vệ môi trường sửa đổi. Đây là dự án luật đang được Quốc hội xem xét, dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp 10 (cuối năm 2020) và có hiệu lực từ ngày 1-7-2021.
Tại cuộc tọa đàm, các ý kiến đều nhấn mạnh tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho hay một trong những thủ phạm gây ra ô nhiễm không khí tại các đô thị là khí thải từ phương tiện giao thông. Dự luật lần này hướng đến mục tiêu phải kiểm soát phát thải của phương tiện giao thông, bao gồm cả cũ lẫn mới.
"Đợt giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19 vừa qua chất lượng không khí được cải thiện rõ rệt vì có ít phương tiện giao thông hoạt động. Điều này cho thấy mối tương quan giữa hoạt động giao thông và ô nhiễm không khí" - ông Thịnh nói.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT)
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, lượng phương tiện giao thông đang gia tăng mạnh tại các đô thị lớn. Cụ thể, năm 2008 Hà Nội chỉ có 2,2 triệu phương tiện giao thông, đến năm 2017 đã tăng đến 6 triệu xe, gấp 3 lần sau 10 năm. Hiện nay trung bình mỗi tháng Hà Nội có khoảng 27.000 ô tô, xe máy đăng ký mới.
Còn tại TP.HCM, tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông cũng đang ở mức cao, riêng xe máy có số lượng tăng thêm từ 10-15% mỗi năm. Đa phần xe máy tại TP này vẫn đang được lưu hành theo quy chuẩn khí thải mức EURO 2, mức tiêu chuẩn khá thấp, có thể gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường)
Về việc ban hành quy chuẩn khí thải cho phương tiện giao thông cũ có thể gây ảnh hưởng đối người thu nhập thấp, ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường), cho biết dự luật sẽ áp dụng ngay đối với phương tiện mới. Riêng với xe máy, ô tô cũ sẽ có lộ trình áp dụng để không ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người dân.
“Hiện có hàng chục triệu xe máy, ô tô cũ đang được sử dụng. Việc kiểm soát chất lượng khí thải của những phương tiện này là vấn đề khó, nhạy cảm vì sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của đông đảo người dân.
Do vậy, sau khi dự luật được Quốc hội thông qua, Bộ TN&MT sẽ xem xét quy định, có lộ trình áp dụng cụ thể để ít gây ảnh hưởng đến sinh kế của người dân nhất mà vẫn đảm bảo kiểm soát chất lượng không khí” - ông Nam nói.
Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra sẽ thông qua việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường với một điểm mới về quản lý nhà nước: Bộ TN&MT được giao ban hành quy chuẩn kiểm soát khí thải, lộ trình áp dụng với phương tiện giao thông, còn Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực thi thông qua quản lý hoạt động đăng kiểm.
Dự kiến trong tuần này Bộ trưởng Bộ TN&MT sẽ có cuộc làm việc với Bộ trưởng Giao thông vận tải để thống nhất nội dung này.