Có lần vì mang tiếng “chém đinh” mà ông Trưởng đoàn bóng đá SL Nghệ An Nguyễn Hồng Thanh chia sẻ: “Đặc thù của người dân xứ Nghệ là hết lòng, hết sức và điều đó thể hiện ở các cầu thủ rõ nhất. Họ ra sân là máu lửa, là lăn xả. Thậm chí có khi chỉ là những trận đấu tập của hai đội hình để tìm ra những cầu thủ chiến nhất họ cũng lăn xả. Mà trong bóng đá máu quá mà kỹ thuật vụng thì thành ra đá xấu, đá láo. Đó là lý do ở lò đào tạo chúng tôi luôn cố duy trì chất lửa của những cầu thủ xứ Nghệ nhưng gia tăng phần nền tảng kỹ thuật…”.
Chiều 12-4 thì sân Vinh cháy vé bởi những người con xứ Nghệ mang đến thứ bóng đá đậm chất kỹ thuật. Không chỉ là những cầu thủ Nghệ An khoác áo CLB nhà mà còn có cả cầu thủ xứ Nghệ khoác áo đội khách. Không có bạo lực trong trận đấu có sự kèn cựa về cách làm của hai lò bóng đá. Cũng không có những hiềm khích, đá đau nhau hay dằn mặt nhau của lứa cầu thủ đàn anh với lứa đàn em được ủng hộ nhiều qua các cơn sốt từ những kênh truyền thông.
Không chỉ khán giả sân Vinh mà là khán giả cả nước được chứng kiến trận cầu đỉnh cao với những pha tấn công dồn dập và được tô đậm bởi cầu thủ trẻ và cũng là cầu thủ nội. Nó rất giống với những trận derby kiểu CA Hà Nội - Thể Công trước đây hay là những trận so cựa kiểu Thể Công - Cảng Sài Gòn luôn nô nức người xem.
Mừng cho bóng đá nội vì khán giả đến sân và thỏa mãn với bữa tiệc bóng đá thực thụ. Mừng vì đấy là một trận đấu của hai lò bóng đá tiêu biểu quốc gia với hai cách làm khác nhau nhưng tính hiệu quả thì có những đặc thù riêng bởi vùng miền và bởi túi tiền hoặc cái tầm của những người làm bóng đá thực thụ.
Mừng vì bóng đá Việt Nam không chỉ sống với một lò bóng đá liên kết với “sữa ngoại” mà còn có thể sống được bởi cách làm gói ghém nhưng đầu ra vẫn là bóng đá kỹ thuật, là chất lượng.
Một trận đấu giúp những nhà làm bóng đá nhìn ra ở Việt Nam có nhiều nguồn nếu biết tìm kiếm và khai thác chứ không phải sống mòn và sống bám vào tiền và cách làm thầy ngoại phủ nhận giá trị nội.