Nợ công đang ngấp nghé vạch 'đỏ' 65%

Sáng nay (8-6) Quốc hội bước thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, ĐB Huỳnh Nghĩa (trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) bày tỏ hàng loạt mối lo ngại về kinh tế hiện nay.
Nền kinh tế ứng phó thụ động

ĐB Nghĩa cho biết, điểm nổi bật của tình hình kinh tế xã hội nước ta từ kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đến nay là sự phục hồi kinh tế đáng kể, môi trường đầu tư có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, khi kinh tế đang ngày càng hội nhập sâu, thời cơ và thách thức mới càng trở nên quyết liệt, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật, phân tích và đánh giá đúng thực chất của sự phục hồi này, đặc biệt những mất cân đối lớn của nền kinh tế đang có những dấu hiệu mà theo tôi cần phải nghiêm túc đánh giá.


ĐB Huỳnh Nghĩa thảo luận tại hội trường. LÊ PHI

ĐB Huỳnh Nghĩa, băn khoăn : “Sự phục hồi kinh tế hiện nay là nhờ “uống thuốc khỏe”, chủ yếu là sự ứng phó thụ động tình huống suy thoái xảy ra, chứ chưa vận hành lành mạnh theo một lộ trình với những biện pháp chủ động, đồng bộ. Phục hồi chủ yếu vẫn chỉ là tăng trưởngsố lượng, chưa thay đổi chất lượng và sức cạnh tranh. Cơ cấu và mô hình tăng trưởng cũ sau hai năm tái cơ cấu hầu như vẫn chưa có chuyển biến căn bản”.
ĐB Huỳnh Nghĩa (trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cho rằng, tình trạng mất cân đối giữa khu vực sản xuất nội địa và khu vực FDI ngày càng sâu sắc. Năng lực sản xuất khu vực doanh nghiệp nội địa vẫn yếu, gặp nhiều khó khăn, chưa bảo đảm để trở lại tình trạng bình thường. Trong khi đó, khu vực FDI tiếp tục tăng trưởng nhanh. Về nguyên tắc, việc gia tăng xuất khẩu từ nguồn FDI là xu hướng phổ biến và tích cực, song điều cần nhấn mạnh là sự gia tăng ấy phải trên nền tảng năng lực và hiệu quả phát triển của khu vực nội địa không ngừng tăng trưởng.
“Môi trường kinh tế trong nước đang có vấn đề lớn, việc phá sản, dừng hoạt động của doanh nghiệp nội địa tiếp tục gia tăng, năm sau cao hơn năm trước, quý I năm 2015 đóng cửa nhiều hơn quý I năm 2014. Trong khi đó, tỷ trọng khu vực FDI trong GDP không ngừng tăng nhanh, đặc biệt trong cơ cấu xuất nhập khẩu. Năm 2014, khu vực FDI chiếm gần 60% kim ngạch nhập khẩu và hơn 65% kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế”, ĐB Nghĩa lo lắng.
Về cơ cấu xuất nhập khẩu, ĐB Nghĩa cho rằng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng lạc hậu. “Điểm bất cập lớn nhất là chất lượng xuất khẩu vẫn tập trung hàng nông sản sơ chế, trong khi đó lại nhập hàng trung gian nhiều, chủ yếu là linh kiện lắp ráp, phụ kiện gia công và đầu vào cơ bản cho nông nghiệp. Cơ cấu nhập khẩu như vậy chỉ đểphục vụ một nền kinh tế thụ động, việc tham gia vào chuỗi giá trị mới của thế giới rất hạn chế, trình độ công nghệ sản xuất vẫn dưới mức trung bình của thế giới. Trong khi đó, xuất khẩu hàng tiêu dùng nhiều, chủ yếu là hàng gia công dệt may, da giày. Dường như chúng ta đang cố duy trì thật lâu nền kinh tế công nghệ thấp, năng suất lao động và giá trị gia tăng thấp”, ĐB Nghĩa nói.
Xử lý nợ xấu phải “tiền tươi, thóc thật”
Về vấn đề xử lý nợ xấu, ĐB Nghĩa bức xúc nói : Đến nay, nợ xấu trong nền kinh tế lên đến hàng trăm ngàn tỷ, đã bị VAMC “bắt nhốt” lại. Nhưng đó mới chỉ là “nhốt” lại, “xích” lại mà thôi. Nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên và đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Điều quan ngại là chúng ta chưa xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường.
“Qua gần 3 năm, VAMC mới bán được 2-3% nợ xấu. Theo đà này thì bao giờ chúng ta xử lý hết nợ xấu? Đến bao giờ thì cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp được giải phóng khỏi nợ xấu, để nhanh chóng phá tan được cục máu đông hàng trăm ngàn tỷ đồng để cứu vãn nền kinh tế hiện nay?”, ĐB Nghĩa băn khoăn.
Cũng theo ĐB Huỳnh Nghĩa, nợ công đang tăng ở mức độ cao, 15-20%/năm trong một thập niên gần đây. Tỷ lệ nợ công trên GDP đang mấp mé vạch “đỏ” 65%. Nhưng nguy hiểm hơn là ở chỗ tỷ lệ giữa nghĩa vụ trả nợ trên thu ngân sách đã vượt ngưỡng 25%, dự kiến đến năm 2015 sẽ chạm mức gần 30%. Đây chính là mối nguy trực tiếp và đáng lo ngại nhất cho nền kinh tế. Vì thế, đây luôn là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất trên bàn nghị sự của Quốc hội hiện nay.
Để giải quyết các vấn đề trên ĐB Huỳnh Nghĩa đề xuất : Chính phủ phải tập trung cho công cuộc đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu thay vì hướng sự quan tâm đến mục tiêu tăng trưởng “thuần túy”. Tư duy lại phương pháp xử lý nợ xấu là phải theo nguyên lý thị trường, “tiền tươi, thóc thật”, sòng phẳng và gắn với tình trạng thị trường bất động sản để tránh nguy cơ ảo tưởng có thể giải quyết triệt để và nhanh chóng nợ xấu. Tập trung giải quyết vấn đề nợ công không phải bằng cách buộc Chính phủ giảm đi vay mà bằng cách quản lý đầu tư công chặt chẽ, đúng pháp luật và có tầm nhìn. Cách tiếp cận chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng hiện đại, nâng cấp khu vực doanh nghiệp nội địa, không chỉ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để tạo kết nối với các tập đoàn nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, đang tổ chức sản xuất theo chuỗi sản phẩm trên phạm vi toàn cầu. Việc coi năm 2015 là năm doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn, là một sáng kiến quan trọng. Nhưng nó phải được tiếp cận theo cả hai hướng là nền tảng cấu trúc, xây dựng công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao và nền tảng thể chế, cải cách nhà nước để nhà nước phục vụ doanh nghiệp. Cả hai hướng này cần được tổ chức thành các Chương trình hành động quốc gia cụ thể và khả thi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm