Sau 8 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị số 19 CT/TU ngày 19-10-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch. Vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, môi trường của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Nâng cao nhận thức của người dân
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã vận dụng linh hoạt trong công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch. Vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, sau thời gian thực hiện cuộc vận động thì chất lượng vệ sinh môi trường tại một số khu vực, tuyến đường đã cải thiện, hạn chế tình trạng rác tự phát, rác thải đã được người dân bỏ vào thùng rác trên các tuyến đường, gọn gàng hơn.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng người dân dọn dẹp rác ở quận Bình Thạnh trong đợt phát động cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch. Vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Ảnh: CN
Thông qua các buổi tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị và lan tỏa đến nhân dân trong thực hiện cuộc vận động “Không xả rác ra đường và kênh rạch”; nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác của mọi người trong công tác bảo vệ môi trường, ông Hồng cho biết thêm.
Qua những cuộc vận động, tuyên truyền, người dân ở nhiều địa phương đã nhận thức được việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Từ nhận thức đó, người dân đã biến thành những hành động cụ thể như, không xả rác ra đường, bỏ rác đúng thời điểm, hạn chế sử dụng túi nylon 1 lần,…
“Thời gian qua, địa có nhiều cuộc vận động, tuyên truyền người dân thực hiện thu gom rác, phân loại rác. Bên cạnh đó, qua báo chí, truyền thông tôi đã ý thức được vấn đề bảo vệ môi trường phải được thực hiện từ mỗi cá nhân. Tôi đã vận động gia đình không xả rác ra đường. Đồng thời, thời gian vừa qua tôi đã hạn chế việc sử dụng túi nylon dùng một lần”, chị Thanh Hòa (huyện Bình Chánh) chia sẻ.
Cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động
Theo Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, tinh thần của Chỉ thị số 19 là cuộc vận động và đòi hỏi thực hiện kiên trì, bền bỉ, lâu dài, tạo sự chuyển biến từ nhận thức cho đến hành động của người dân, khi thực hiện các hoạt động, chương trình về môi trường cần tiếp tục duy trì bằng nhiều hình thức.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 19, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ thực hiện công tác tổ chức, sắp xếp lực lượng thu gom rác dân lập gắn với chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, đảm bảo hoàn thành vào năm 2020.
Thành phố cũng sẽ thực hiện kết nối đồng bộ về thời gian giao, nhận rác giữa người dân và đơn vị thu gom, vận chuyển; đẩy mạnh thực hiện chương trình giảm sử dụng túi nylon, thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, nhập khẩu túi nylon khó phân hủy, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các loại túi nylon tự phân hủy, các loại túi thân thiện với môi trường.
Báo cáo về tình hình thực hiện Chỉ thị số 19, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, cho biết, qua 8 tháng triển khai, thành phố đã lắp đặt được 19.056 thùng rác trên các tuyến đường và tuyến hẻm. Đối với các hành vi vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, đã nhắc nhở 204 trường hợp vi phạm, lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1.978 trường hợp với số tiền phạt hơn 1,2 tỉ đồng. Ngoài ra, UBND TP đã có chủ trương giao cho Đội Quản lý trật tự đô thị và Đội Thanh tra xây dựng địa bàn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh nơi công cộng. |