Theo kết quả từ cuộc họp báo Chính phủ chiều tối 30-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến một lần nữa khẳng định H-Capita không phải là thuốc giả. Theo đó, ông Tiến lập luận: Kết luận giám định của Hội đồng Giám định Bộ Y tế đã chỉ rõ lô thuốc H-Capita chứa 97% hoạt chất capecitabine, vì vậy nó là thuốc có đúng thành phần dược chất chữa ung thư. Lỗi ở đây là lỗi làm giả mạo giấy tờ nên nó được xếp vào loại thuốc không nguồn gốc, kém chất lượng.
Tuy nhiên, phản bác ý kiến từ ông Nguyễn Việt Tiến và kết luận từ Bộ Y tế, PGS-TS - dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng việc nói H-Capita không phải là thuốc giả là không ổn.
Theo đó, thuốc giả hiện nay có hai loại: Một là doanh nghiệp A thấy mặt hàng của nước ngoài đang bán chạy, từ đó nảy sinh ý định làm giả mặt hàng đó để bán kiếm lời. Sau đó công ty nước ngoài phát hiện, mang hai loại thuốc ra so sánh và khởi kiện.
Thứ hai, một công ty sản xuất đăng ký mặt hàng thuốc A với hàm lượng, dược chất cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, loại thuốc này được đưa ra thị trường với hàm lượng và dược chất thay đổi, không như đăng ký. Từ đây ta mới xét, chứng minh được họ cố ý rút bớt hoạt chất, thay đổi hàm lượng thì thuốc đó là thuốc giả. Còn nếu họ vô ý, bị gặp trục trặc về mặt dây chuyền dẫn tới thay đổi hàm lượng thuốc thì thuốc đó sẽ là kém chất lượng.
“Riêng về lô thuốc H-Capita, loại thuốc này được sản xuất từ một công ty không rõ nguồn gốc, chưa ai biết đến nó, nó hoàn toàn mới, chưa ai sử dụng. Từ đầu đến cuối, từ hồ sơ, giấy tờ đều là giả thì làm sao có thể nói nó là thuốc kém chất lượng!” - bà Lan nói.
Để dễ hiểu hơn, bà Lan ví dụ: Nếu có người A đi mua hoạt chất về và tự dập lên một loại thuốc giống thuốc thật với cái tên hoàn toàn mới, sau đó mang đi kiểm nghiệm thì thuốc đầy đủ hoạt chất nhưng thuốc đó không đăng ký với cơ quan chức năng, không ai biết đó là loại thuốc nào thì đương nhiên phải gọi là thuốc giả. Trong trường hợp H-Capita cũng vậy, nó là thuốc tự VN Pharma đặt tên, mới lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, chưa ai sử dụng, không ai biết thì chắc chắn là thuốc giả. “Luật Dược 2005 và 2015 quy định rất rõ ràng, thuốc giả là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vậy đây là thuốc giả, không bàn cãi thêm” - bà Lan khẳng định.
Ủng hộ ý kiến của dược sĩ Lan, PGS Nguyễn Hữu Đức, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cũng khẳng định quan điểm cá nhân ông chắc chắn rằng H-Capita là thuốc giả.
Theo ông Đức, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra một định nghĩa thống nhất về thuốc giả như sau: “Thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm với đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả”.
“Như vậy thuốc giả theo WHO bao gồm cả thuốc kém chất lượng, thuốc có chứa hoạt chất nhưng không đủ hàm lượng… Do đó H-Capita là thuốc giả, mà dù có là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng đi chăng nữa cũng gây thiệt hại rất lớn cho người dân, tổn hại rất nhiều đến sức khỏe người bệnh. Vì vậy cần phải nhìn nhận thực tế, trách nhiệm và giải quyết triệt để” - PGS Đức cho biết.