Nơi xử lý nước thải lớn nhất TP.HCM kêu cứu

“Từ năm 2012 đến nay, các máy móc, thiết bị ở nhà máy này bị lỗi ngày càng nhiều. Trong đó có những thiết bị quan trọng đắt tiền trị giá gần cả triệu USD, lại được sản xuất độc quyền nên việc sửa chữa rất khó khăn”.

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Lý Thọ Đắc, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị (TNĐT) TP.HCM (đơn vị vận hành Nhà máy Bình Hưng), xác nhận như trên.

Phải sửa hơn 7 tỉ đồng

Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP.HCM) được xem là lớn nhất TP hiện nay.

“Trong những thiết bị quan trọng có máy cô đặc ly tâm và máy tách nước ly tâm được vận hành từ năm 2009. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất thì đến năm 2012 phải được bảo trì, trùng tu. Tuy nhiên, đến nay công tác này vẫn chưa được thực hiện. Hiện hai máy này có độ rung cao và hay dừng đột ngột” - ông Đắc nói thêm.

Theo báo cáo của Công ty TNĐT, do chưa được trùng tu nên hiện máy cô đặc ly tâm chỉ đạt hiệu suất khoảng 70% và máy tách nước ly tâm chỉ đạt hiệu suất khoảng 76%. Do hai máy này phải vận hành thường xuyên, không có tính dự phòng nên có thể xảy ra tình trạng ngừng vận hành toàn bộ nhà máy bất cứ lúc nào nếu các thiết bị trên bị hư hỏng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những thiết bị quan trọng trên, hiện nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật cũng như các máy móc phụ tại Nhà máy Bình Hưng cũng bị hư hỏng khá nhiều. Ước tính tổng chi phí sửa chữa các thiết bị này hơn 7 tỉ đồng.

Nhiều thiết bị quan trọng ở Nhà máy Bình Hưng hư hỏng khiến nhà máy có nguy cơ dừng hoạt động. Ảnh: TNĐT

Trung tâm muốn mua thiết bị mới thay thế

Trước tình trạng hư hỏng nói trên, Công ty TNĐT đề nghị Trung tâm chống ngập (đơn vị quản lý Nhà máy Bình Hưng) sớm phê duyệt dự toán để sửa chữa các hư hỏng nhỏ. Đối với những thiết bị quan trọng như máy tách nước ly tâm, máy cô đặc ly tâm, Công ty TNĐT đề nghị tiến hành trùng tu. Bên cạnh đó cũng cần bổ sung hồ sơ mua thiết bị mới để dự phòng.

Tuy nhiên, với tiến độ phê duyệt dự toán hiện nay, theo nhận định của Công ty TNĐT thì nhiều hạng mục quan trọng của nhà máy sẽ không thể trùng tu, sửa chữa kịp trong năm 2017.

Vì sao tình trạng hư hỏng các thiết bị quan trọng ở Nhà máy Bình Hưng chậm giải quyết?

Một lãnh đạo Công ty TNĐT cho rằng nguyên nhân là do liên danh nhà thầu Nhật Bản khi xây dựng nhà máy đặt hàng sản xuất độc quyền nên trên thị trường không có thiết bị thay thế.

“Mặt khác, do kinh phí trùng tu thiết bị quá lớn, chiếm khoảng 40% giá trị của sản phẩm nên Trung tâm chống ngập không muốn trùng tu mà muốn thực hiện phương án mua thiết bị mới thay thế. Tuy nhiên, muốn mua thiết bị mới thì phải xin ý kiến của các sở, ngành liên quan” - vị này bày tỏ thêm.

Một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết sau khi nhận được đề xuất của Trung tâm chống ngập về việc mua sắm thiết bị mới cho Nhà máy Bình Hưng, Sở đang tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành liên quan nên chưa thể trả lời bao giờ phương án này được phê duyệt.

Nước thải xử lý ra sao?

Với tình trạng hư hỏng liên tục ở Nhà máy Bình Hưng, chất lượng nước thải được xử lý có bị ảnh hưởng theo?

Ông Lý Thọ Đắc giải thích: “Các máy móc hư hỏng thường không nằm ở công đoạn xử lý nước nên không ảnh hưởng đến chất lượng xử lý nước thải. Đối với máy tách nước và máy cô đặc ly tâm, công ty cũng cố gắng tìm cách khắc phục lỗi nhỏ để công tác vận hành không bị gián đoạn. Tuy nhiên, nếu thiết bị này hư hỏng thì sẽ dẫn đến dừng vận hành nhà máy vì bùn không tách ra khỏi nước nên sẽ dẫn đến quá tải”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm