Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 26-2 khẳng định lực lượng vũ trang nước này có thể chống lại quân nổi dậy và các phần tử Hồi giáo cực đoan mà không cần sự giúp đỡ quân sự từ phía Mỹ, hãng tin AP cho biết.
Tổng thống Philippines cũng nói thêm rằng ông sẽ kiên quyết không công du đến Mỹ, giống như những gì ông đã từng tuyên bố năm 2017 khi Washington lên án chính sách chống ma túy gây tranh cãi của Manila.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: REUTERS
Ông Duterte đặt ra câu hỏi: "Chúng ta có cần Mỹ để có thể tồn tại như một quốc gia? Chúng ta có cần sức mạnh và quyền lực của quân đội Mỹ để chiến đấu chống lại các lực lượng nổi dậy ở đây và những tên khủng bố ở miền Nam đất nước và kiểm soát ma túy?".
"Quân đội và cảnh sát nói: "Thưa ngài tổng thống, chúng tôi có thể làm được". Nếu chúng ta không thể làm được điều này, chúng ta không có quyền làm một nước cộng hòa" - ông tuyên bố dứt khoát.
Tuy nhiên, "bạn cũng có thể chọn điều đó, bạn có thể chọn là một vùng lãnh thổ của Mỹ hoặc là một tỉnh của Trung Quốc" - ông Duterte nói.
Phát ngôn của ông Duterte là diễn biến căng thẳng mới nhất giữa hai nước sau khi Văn phòng Tổng thống Philippines thông báo chấm dứt thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ hôm 11-2.
Trước đó, tuyên bố về việc chấm dứt VFA được đưa ra sau khi Washington từ chối cấp thị thực cho đồng minh chính trị của ông Duterte là thượng nghị sĩ Ronald dela Rosa, người từng lãnh đạo cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi của Manila từ năm 2016.
Ông Duterte đã cho Mỹ một tháng để cấp lại thị thực cho ông dela Rosa nhưng các quan chức Mỹ đã không có tuyên bố hay hành động nào đáp lại yêu cầu này.
VFA cho phép lực lượng Mỹ được nhập cảnh và tạm thời đồn trú ở Philippines, cũng như tham gia các hoạt động huấn luyện chung với quân đội nước chủ nhà.
Sau 180 ngày kể từ thông báo ngày 11-2 của Manila, thỏa thuận VFA sẽ chính thức hết hiệu lực. Thời gian này cho phép hai bên có thể đàm phán lại các điều khoản cần thiết nếu muốn cứu vãn thỏa thuận.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. có vẻ là người muốn cứu vãn thỏa thuận nhất trong số các chính khách liên quan. Ông đề xuất hai bên sẽ xem xét lại thỏa thuận để khắc phục những điểm còn bất đồng, thay vì hủy bỏ toàn bộ chúng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã gọi tuyên bố của Manila là một quyết định "đáng tiếc". Trong khi đó, Tổng thống Trump phản ứng dứt khoát hơn, cho biết nước Mỹ "sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền" nếu Philippines thực sự muốn rút khỏi VFA.
Kể từ khi nhậm chức tổng thống Philippines năm 2016, ông Duterte được biết đến là một lãnh đạo thường xuyên chỉ trích các chính sách của Mỹ và có cách tiếp cận thân thiện hơn với Trung Quốc và Nga.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời người đồng cấp Philippines đến Las Vegas tham dự một cuộc họp Mỹ-ASEAN. Tuy nhiên, người phát ngôn điện Malacanang cho biết ông Duterte sẽ không tham dự cuộc họp này.