Ngày 20-8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ra chỉ thị mọi tàu nước ngoài muốn vào lãnh hải Philippines phải thông báo với cơ quan chức năng nước này và chỉ được đi vào một khi được cho phép.
“Hoặc chúng tôi nhận được sự tuân thủ thân thiện, hoặc chúng tôi thực hiện điều này một cách không thân thiện”, báo SCMP dẫn lời ông Salvador Panelo, người phát ngôn của Tổng thống Duterte, cho biết.
Khi được báo chí hỏi “cách không thân thiện” là gì, ông Panelo trả lời: “Nghĩa là chúng tôi phải chặn họ lại và bảo họ rời đi”.
Ông Panelo cảnh báo Philippines không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực quân sự nếu tàu nước ngoài vượt giới hạn.
“Nếu điều đó phải làm thì chúng tôi sẽ làm”, ông Panelo nói.
Trao đổi với báo chí, ông Paleno thừa nhận thời gian gần đây hiện tượng tàu nước ngoài đi vào lãnh hải Philippines lặp lại nhiều lần, “đặc biệt tàu chiến Trung Quốc”, nhưng Philippines vẫn giữ im lặng.
“Nhưng lần này chúng tôi sẽ lên tiếng với họ: Vui lòng ra khỏi lãnh thổ của chúng tôi”, ông Paleno nói.
Tổng thống Philippines Rodrido Duterte ra chỉ thị mọi tàu nước ngoài vào lãnh hải Philippines phải xin phép. Ảnh: AP
Theo SCMP, chỉ thị của ông Duterte là một thông điệp hiếm hoi của Philippines gửi đến Trung Quốc, cảnh báo về việc Trung Quốc triển khai tàu chiến gần bờ biển nước này.
Từ tháng 6 đến nay, quân đội Philippines ghi nhận có hơn 10 lần tàu chiến Trung Quốc ra vào vùng biển nước này mà không báo trước. Ví dụ vào ngày 17-6, có bốn tàu Trung Quốc đi vào vùng biển gần đảo Balabac, một chiếc trong đó dễ dàng xác định được là tàu sân bay Liêu Ninh. Bốn tàu này sau đó được phát hiện khi đi ngang qua eo Sibutu phía nam Philippines trong tháng 7.
Những tuần gần đây Philippines nhiều lần gửi công hàm phản đối các hoạt động của lực lượng tuần duyên, hải quân và tàu cá bán quân sự Trung Quốc ở lãnh hải của Philippines và một số vùng biển Philippines đang kiểm soát ở biển Đông (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng Philippines kiểm soát trái phép).
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana lên tiếng rằng hành động của phía Trung Quốc rất gây khó chịu. Hôm qua, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jnr chỉ đạo cấp dưới tiếp tục gửi công hàm ngoại giao phản đối việc xâm nhập của Trung Quốc.
Ngay cả Tham mưu trưởng Không quân Mỹ - Đại Tướng David Goldfein tuần trước cũng lên tiếng về việc này. Theo ông, việc tàu chiến Trung Quốc di chuyển ở nhiều vùng biển thuộc lãnh hải của nước khác là rất “quan ngại”.
“Tôi nghĩ hành động mà chúng ta nhìn thấy ở biển và trên không phải tuân thủ theo một số quy định trật tự quốc tế mà chúng ta tôn trọng. Vì thế, bất kỳ bên nào trong khu vực vi phạm chúng thì đều đáng quan ngại” – ông Goldfein lên tiếng.
SCMP cho rằng thái độ cứng rắn từ Ngoại trưởng Philippines Locsin và chỉ thị mới của Tổng thống Duterte cho mức thể hiện cao nhất sự bất bình của chính phủ ông Duterte với Trung Quốc. Chính phủ ông Duterte cũng đang có kế hoạch thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở biển Đông.
Từ khi lên làm tổng thống năm 2016, ông Duterte chủ trương cải thiện quan hệ với Trung Quốc, thậm chí còn thái độ và hành động xa lánh đồng minh truyền thống là Mỹ cũng vì mục tiêu này.
Ông Paleno thông báo về chỉ thị của ông Duterte chỉ tám ngày trước khi ông Duterte theo dự kiến sẽ có chuyến thăm thứ năm đến Trung Quốc trong thời gian từ ngày 28-8 đến ngày 3-9.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) cuối tháng này. Ảnh: AP
Nhận định về chỉ thị của ông Duterte đặc biệt trong thời điểm này, nhà phân tích quốc phòng Jose Antonio Custodio tại Viện Nghiên cứu Chính sách, Chiến lược và Phát triển (Philipines) cho rằng: “Có thể đó là một cách ông Duterte dùng để thể hiện ông ấy đang đấu tranh cho quyền lợi của Philippines nhằm xoa dịu sự bất mãn từ nhiều nhân tố trong quân đội vốn không hài lòng với Trung Quốc”.
Ông Duterte nói trong chuyến thăm này ông sẽ mang chuyện phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế ra nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng như sẽ khẳng định quyền của Philippines ở vùng biển Đông tranh chấp.