Trả lời phỏng vấn kênh NTV (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 21-4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc Mỹ và đồng minh từ chối bán vũ khí cho Ankara nhưng lại bán vũ khí với giá “0 đồng” cho lực lượng dân quân người Kurd.
“Chúng tôi dù có tiền nhưng không thể mua vũ khí của Mỹ nhưng khốn nỗi, Mỹ và lực lượng liên quân lại cung cấp miễn phí những loại vũ khí này, số đạn dược này cho các tổ chức khủng bố. Vậy thử hỏi đe dọa đối với Thổ Nhĩ Kỳ đến từ đâu? Chủ yếu là đến từ các đối tác chiến lược” - ông Erdogan nhấn mạnh.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Hurriyet Daily News
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phần trả lời phỏng vấn của mình khi nói rằng Mỹ vẫn tiếp tục trang bị vũ khí cho các tay súng ở Syria, đã triển khai phái đoàn chở đầy vũ khí tới đó. Theo Tổng thống Erdogan, Mỹ đã điều 5.000 xe tải chở vũ khí tới miền Bắc Syria.
Mỹ coi Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) là đồng minh ở chiến trường Syria. Nhóm dân quân này đã lập nên lực lượng nòng cốt gọi là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đang được Mỹ huấn luyện, trang bị vũ khí và chống lưng.
Tháng 12-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump phê duyệt cung cấp vũ khí trị giá 393 triệu USD cho những lực lượng mà Washington gọi là đồng minh ở Syria, trong đó có YPG.
Một tháng sau đó, Mỹ thông báo kế hoạch thành lập một lực lượng an ninh biên giới gồm 3.000 quân, trong đó người Kurd đóng vai trò tiên phong. Theo kế hoạch của Mỹ, lực lượng này sẽ được triển khai dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Ảnh chụp từ video cho thấy một binh sĩ Mỹ đứng trên một xe bọc thép ở làng Dabarsiyah, Syria. Ảnh: AP
Kế hoạch này của Washington làm Ankara nổi giận. Với quan điểm xem YPG là cánh tay nối dài của Đảng Công nhân người Kurd (PKK - tổ chức khủng bố trong con mắt của Thổ Nhĩ Kỳ), Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Mỹ có ý định thành lập “đội quân khủng bố” ở Syria. Hôm 20-1, Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự gọi là “cành ô liu” ở TP Afrin, Syria nhằm loại bỏ người Kurd.
Đến tháng 3, Afrin thất thủ trước lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan cảnh báo chiến dịch quân sự này có thể mở rộng toàn biên giới Syria. Mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ vì chiến dịch Afrin này mà thêm căng thẳng.
Hôm 28-3, Hội đồng An ninh Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo rằng Ankara sẽ đẩy chiến dịch này từ vùng Afrin sang Manbij, nếu YPG do Mỹ hậu thuẫn không chịu rút quân. Manbij cũng là nơi đóng quân của binh sĩ Mỹ. Khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ đã được triển khai tới Đông Bắc Syria tại các vùng lãnh thổ do lực lượng dân quân người Kurd kiểm soát.
Thổ Nhĩ Kỳ đã báo động về sự liên minh của Mỹ với các tay súng người Kurd ở Syria. Bản thân Thổ Nhĩ Kỳ - quân đội lớn thứ hai trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - đã và đang phối hợp với Nga và Iran nhằm đảm bảo tiến trình chuyển giao quyền lực chính trị ở Syria, loại Mỹ khỏi bàn đàm phán.
Ebu Adil, chỉ huy Hội đồng quân sự Manbij thuộc SDF, mới đây nhấn mạnh với hãng tin Sputnik rằng cư dân ở TP Manbij, Đông Bắc Syria đang trong tình trạng báo động cao trước chiến dịch quân sự mở rộng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Tuy nhiên, ông thêm rằng tình hình hiện nay trong TP ổn định.
“Cách đây không lâu, chúng tôi đã thảo luận vấn đề liên quan tới cuộc tấn công tiềm năng của Thổ Nhĩ Kỳ vào Manbij cùng với quân đội Mỹ. Phía Mỹ cam kết sẽ trả đũa bất kỳ cuộc tấn công nào vào TP, bất kể là ai đứng sau” - ông Ebu Adil cho biết.
Lực lượng Mỹ được các tay súng YPG hộ tống lái những phương tiện bọc thép gần làng Dabarsiyah hôm 28-4-2017. Ảnh: AFP
Theo ông Adil, liên quân Mỹ đã đồn trú ở Manbij kể từ khi TP được giải phóng khỏi tay IS hai năm về trước.
Ông Adil thêm rằng sau tuyên bố của Ankara rằng có thể kéo quân sang Manbij, lực lượng tuần tra xuyên biên giới của Mỹ đã canh gác TP suốt ngày đêm. “Chúng tôi, cư dân Manbij, sẵn sàng bảo vệ TP của chúng tôi đến cùng nếu bị tấn công. Chúng tôi xem mối đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn nghiêm túc, bắt tay vào mọi sự chuẩn bị cần thiết để đẩy lùi đợt tấn công tiềm năng này. Nhưng ngay lúc này, tình hình ở TP vẫn yên ắng” - ông Adil cho biết.
Trước đó, ông Adil nói với Sputnik rằng sau khi triển khai thêm đặc nhiệm tới khu vực khi Ankara đang lên kế hoạch tấn công Manbij, phía Mỹ cũng đã đồng thời mở rộng căn cứ quân sự ở TP và thiết lập một tiền tuyến mới.
Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu thì cho hay phía Washington đã thiết lập hai căn cứ quân sự ở vùng Manbij, đồng thời triển khai 300 quân tới đây cùng xe bọc thép và các phương tiện xây dựng khác.