Đại bản doanh của CNRP rơi vào tình trạng bị “giam lỏng” bởi quân đội. Trong khi đó, các dự định biểu tình quy mô lớn của CNRP đều bị chính phủ Phnom Penh cảnh cáo sẽ giải tán bằng mọi cách.
Hàng chục xe quân sự được triển khai tập dợt gần sát trụ sở của CNRP. Ảnh: PHNOM PENH POST
Lãnh đạo bị gọi ra tòa
Cả chủ tịch của CNRP là Sam Rainsy lẫn phó tướng của ông là Kem Sokha đều phải đối mặt với các cáo buộc từ phía chính phủ Phnom Penh liên quan đến các sai phạm cá nhân. Chính phủ của ông Hun Sen đã “bắn phát đạn đầu tiên” nhắm vào CNRP bằng cách ra lệnh bắt giữ Sam Rainsy vào cuối năm 2015. Động thái này đã chặn đường về nước tham gia bầu cử của nhà lãnh đạo CNRP. Trước đó, ông đã được quốc vương Campuchia ân xá án tù 12 năm liên quan đến phá hoại biên giới Việt Nam-Campuchia. Sam Rainsy giờ đây đang phải tị nạn ở nước ngoài để tránh mức án hai năm tù giam. Ông bị cáo buộc có các phát ngôn hủy hoại thanh danh của cựu Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong vào năm 2008.
“Phó tướng” Kem Sokha ngày 2-9 đã bị tòa án TP Phnom Penh tuyên án năm tháng tù cùng khoản tiền phạt gần 200 USD. Phiên tòa được lập ra với cáo buộc ông Sokha không hợp tác với cơ quan điều tra và không có mặt tại tòa để chất vấn. Các rắc rối pháp lý bắt đầu vào tháng 5-2016, khi ông Sokha bị cáo buộc có quan hệ mua dâm với một thợ làm tóc nữ. Phủ nhận cáo buộc này, ông Sokha cũng không đến dự phiên tòa tuyên án vào ngày 2-9 vừa qua. Phiên tòa đối diện với sức ép an ninh vô cùng lớn, cảnh sát TP Phnom Penh đã phải phong tỏa và lập nhiều chốt kiểm soát trên chín tuyến đường huyết mạch dẫn vào thủ đô.
Không chỉ hai nhà lãnh đạo của CNRP bị tuyên án tù. Theo Cambodia Daily, đã có hai nghị sĩ của phe đối lập bị tạm giam chờ xét xử. Ba nghị sĩ khác của đảng đối lập cũng đang bị khởi kiện. Phe CNRP cho rằng các động thái pháp lý này là nhằm bôi nhọ tư cách các đại diện của họ ngay trước thềm cuộc bầu cử đại biểu cấp địa phương vào năm 2017 và cuộc bầu cử toàn quốc vào năm 2018. Ông Sokha và các đại diện của CNRP đã kêu gọi những người ủng hộ đáp trả bằng cách biểu tình. Phát ngôn viên của CNRP cũng khẳng định phe đối lập không còn cách nào khác ngoài tổ chức biểu tình bất bạo động quy mô lớn.
Cả hai nhà lãnh đạo của CNRP là Kem Sokha (trái) và Sam Rainsy (phải) đều đang đối mặt với các án tù. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Súng ống “giam lỏng” trụ sở
Ngay sau đó, Thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố “cương quyết dẹp bỏ” mọi cuộc biểu tình quy mô lớn của phe đối lập. Hàng chục xe chở lính và xe cảnh sát, nhiều chiếc có huy hiệu của đơn vị cảnh vệ quân thủ tướng đã được triển khai tuần tra và bố trí sát khu vực đại bản doanh của đảng CNRP. Các lực lượng an ninh được triển khai và rút khỏi khu vực nhiều lần lặp đi lặp lại đến hơn 1 giờ sáng. Đầu tháng 9, quân đội Campuchia cũng từng triển khai trực thăng quân sự Z-9, tàu tuần tra vũ trang và xe quân sự hoạt động ngay gần trụ sở của CNRP. Trước đó không lâu, phó tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang hoàng gia Campuchia cũng cảnh báo “sẵn sàng bắt giữ” các lãnh đạo phe đối lập ngay khi nhận được lệnh của tòa.
Những đợt triển khai quân sự liên tiếp này đã bị phe đối lập chỉ trích là nhằm “phô diễn sức mạnh”, sử dụng súng ống để đe dọa hoạt động của CNRP. Đáp lại, các tướng lĩnh quân đội biện bạch rằng cả hai hoạt động này chỉ là mang tính tập dợt. Dù vậy, tư lệnh đơn vị cảnh vệ quân Hin Bun Heang cũng tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành tập dợt hằng đêm trong khu vực này để “đảm bảo an ninh”.
“Nếu CNRP muốn tổ chức biểu tình chống sách lược của chính phủ, họ đang làm mất an ninh. Những cuộc biểu tình này làm rối loạn xã hội. Các cuộc tập dợt này không tạo ra mối đe dọa nào cả. Binh lính cần tập dợt để đảm bảo an ninh cho người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều này không chỉ tối qua mà cả những buổi tối khác. Nếu họ lo lắng thì cứ kệ họ” - ông Hin Bun Heang thẳng thừng tuyên bố.
Sẵn sàng sử dụng vũ lực
Không chỉ có lực lượng cảnh vệ của ông Hun Sen có thái độ cứng rắn với phe đối lập. Hàng loạt lãnh đạo cấp cao của quân đội và cảnh sát Campuchia cũng công khai tuyên bố sẵn sàng dùng mọi biện pháp để bảo vệ chính phủ Hun Sen và đập tan mọi ý định biểu tình của phe đối lập.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Chum Socheat ngày 14-9 cũng tuyên bố đã sẵn sàng thực thi lệnh cấm biểu tình của Thủ tướng Hun Sen. Ông kêu gọi người dân nên tránh xa các hoạt động của phe đối lập, cảnh báo quân đội sẵn sàng chấm dứt các ý định biểu tình một cách “quyết liệt và hiệu quả”. “Chúng tôi sẽ bảo vệ chính phủ” - ông Chum Socheat khẳng định.
Cảnh sát phong tỏa đại lộ Hun Sen dẫn vào thủ đô vào ngày tòa tuyên án ông Kem Sokha. Ảnh: PHNOM PENH POST.
Phát ngôn viên chính phủ Phay Siphan còn lên án các ý định biểu tình là “nổi loạn”. Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Campuchia - tướng Khieu Sopheak cũng cáo buộc lời kêu gọi biểu tình của CNRP là vi phạm pháp luật. “Lực lượng cảnh sát sẽ hành động nhưng tôi vẫn chưa thể hé lộ kế hoạch vào lúc này” - ông Sopheak cho biết.
Đầu tháng 9-2016, trong lễ kỷ niệm 26 năm thành lập đơn vị tinh nhuệ này, các lãnh đạo cấp cao của quân đội cũng đã thề sẽ tiếp tục ủng hộ ông Hun Sen “mãi mãi”. Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang hoàng gia Campuchia Pol Saroeun khẳng định bảo vệ Thủ tướng Hun Sen là cách duy nhất để đảm bảo không ai “phá hủy được tự do và hạnh phúc tại Campuchia”.
Tư lệnh Hin Bun Heang bác bỏ các chỉ trích rằng đơn vị diễu binh nhằm răn đe phe đối lập. Tuy nhiên, cấp phó của ông là Deang Sarun vẫn không quên tái khẳng định cam kết sẽ ủng hộ ông Hun Sen đắc cử làm thủ tướng trong kỳ bầu cử sắp tới và “mọi kỳ bầu cử mãi mãi về sau”. Đơn vị này cũng khẳng định sẽ “đập tan” bất kỳ âm mưu “cách mạng màu” nào tại đất nước. Theo tờ Phnom Penh Post, cụm từ “cách mạng màu” này trong thời gian qua thường được chính phủ dùng để lên án phe đối lập.
Đường nào phá vòng vây?
Phía chính phủ cáo buộc CNRP đang cố ý bẻ hướng dư luận, kích động biểu tình chính trị để bảo vệ những chính trị gia vi phạm pháp luật. “Họ nghĩ họ có thể thu lợi từ biểu tình. Các cuộc biểu tình của họ đe dọa chính phủ hợp pháp, được xây dựng hợp với ý nguyện của người dân. Họ đã năm lần thất bại trong các cuộc bầu cử và giờ đây muốn đi đường tắt. Không thể như thế được” - phát ngôn viên Sok Eysan của CPP khẳng định.
Đáp lại, phe đối lập cáo buộc ông Hun Sen đang lạm dụng tòa án và quân đội để đàn áp chính trị. “Làm sao có thể nói đất nước đang hòa bình khi mà quân đội được điều động như thế này” - phát ngôn viên Yim Sovann của CNRP chỉ trích. Trước đó, Sam Rainsy cũng đăng video kêu gọi “hàng ngàn người” từ mọi cấp địa phương xuống đường biểu tình.
Nghị sĩ của CNRP Son Chhay khẳng định phe này “không sợ hãi trước sự đe dọa” của quân đội. “Sử dụng súng ống để đe dọa người dân là vi phạm pháp luật. Quân đội có nghĩa vụ bảo vệ an ninh và lãnh thổ. Chính phủ dùng quân đội để đe dọa người dân. Đó là trái pháp luật” - ông Chhay chỉ trích. Ông cũng mạnh mẽ tuyên bố CNRP sẽ tổ chức một cuộc mít tinh quy mô lớn vào ngày 23-10 sắp tới, kỷ niệm 25 năm ký kết Hiệp định Hòa bình Paris về vấn đề Campuchia.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo CNRP vẫn còn e dè rủi ro chính phủ sử dụng vũ lực để chấm dứt biểu tình. Tờ Phnom Penh Post dẫn lời một thành viên CNRP cho rằng phe đối lập không nên xuống đường biểu tình, tạo thêm cớ để chính phủ “đập tan” đảng chính trị này. Ông cho rằng cách đối phó an toàn nhất là các chính trị gia tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ và “cố thủ” chờ đến kỳ bầu cử. Dù vậy, trước các cáo buộc dồn dập từ chính phủ nhắm đến các lãnh đạo của CNRP, có vẻ thời gian không đứng về phía phe đối lập.