Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ gặp nhân vật đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya trong ngày 29-9 (giờ địa phương), hãng tin AFP cho hay.
Ông Macron xác nhận trong chuyến công du ba ngày tới Lithuania và Latvia, ông có kế hoạch gặp bà Tikhanovskaya – "chính trị gia không chuyên" của Belarus đang tạm lánh tại thủ đô Vilnius (Lithuania).
Trước đó, bà Tikhanovskaya xác nhận với AFP rằng bà đã đề nghị một cuộc gặp với ông Macron và mong muốn Pháp làm trung gian hòa giải xung đột tại Belarus.
Nếu thực sự diễn ra, ông Macron sẽ trở thành người có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn nhất trong số những chính khách nước ngoài mà bà Tikhanovskaya từng trực tiếp gặp gỡ kể từ khi bà rời khỏi Belarus hồi tháng 8 vừa qua.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP
Tổng thống Pháp kêu gọi Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) giữ vai trò trung gian hòa giải và cam kết Paris "sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để đảm bảo tiến trình hòa giải được thực hiện".
"OSCE sẽ tiến hành hòa giải một cách kiên quyết nhất có thể. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tán thành và ủng hộ sáng kiến này. Ông Putin phải giúp chúng ta thuyết phục (Tổng thống Belarus) Alexander Lukashenko đi theo hướng này" - ông Macron nói trong cuộc họp báo tại Vilnius.
Ông Macron cho rằng châu Âu không thể hành động mà không quan tâm tới vai trò của Nga. Ông cho rằng vì sự gần gũi về mặt địa lý, EU cần thực hiện "những công việc chiến lược để xây dựng một kiến trúc an ninh" nhằm tránh leo thang căng thẳng với Moscow.
Hòa giải cho Belarus được coi là nỗ lực thứ hai để thể hiện vị thế của Pháp trong các vấn đề quốc tế. Trước đó, Pháp đã hỗ trợ Lebanon xoa dịu cuộc khủng hoảng chính trị sau vụ nổ hóa chất tại cảng Beirut hồi đầu tháng 8.
Ngày 28-9, bà Tikhanovskaya một lần nữa nhấn mạnh "các cuộc biểu tình (chống lại chính quyền Tổng thống Lukashenko - PV) sẽ không dừng lại".
Tuy nhiên, bà Tikhanovskaya cho rằng các lực lượng ở Belarus "rất cần" đối thoại để tìm ra giải pháp hòa bình và đảm bảo rằng người dân "không còn đổ máu".
Bà Tikhanovskaya kêu gọi EU trừng phạt ông Lukashenko và các quan chức trong chính quyền Minsk nhưng cần tránh trừng phạt nền kinh tế Belarus vì "người dân bình thường sẽ phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất".
Trong hơn một tháng rưỡi qua, bà Tikhanovskaya đã gặp hai thủ tướng của Ba Lan và Lithuania - hai quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bà Tikhanovskaya là một cựu giáo viên tiếng Anh, bước chân vào con đường chính trị và tranh cử tổng thống sau khi chồng bà là ông Sergei Tikhanovsky - một người cũng được cho là đối thủ chính trị của ông Lukashenko - bị bỏ tù hồi tháng 5.
Theo chính quyền Minsk, ông Lukashenko tái đắc cử với hơn 80% số phiếu ủng hộ trong khi bà Tikhanovskaya chỉ giành được hơn 10% phiếu.
Ngày 11-8, Lithuania thông báo bà Tikhanovskaya đang "an toàn" ở Vilnius sau khi nhân vật đối lập người Belarus chọn rời khỏi quê hương vì lý do an toàn cho bản thân và gia đình.
Dù không còn ở Belarus, bà Tikhanovskaya vẫn liên lạc với các đồng minh và người ủng hộ trong nước qua các video. Ông Sergei Tikhanovsky vẫn đang chịu hình phạt tù ở Belarus.