Cuộc bầu cử Israel chỉ còn 12 ngày nữa là diễn ra, và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang làm hết sức để có thể thắng tiếp nhiệm kỳ nữa. Các cuộc thăm dò cho thấy ông Netanyahu – hiện ở nhiệm kỳ thứ tư và đang đối mặt với nhiều cáo buộc tham nhũng – đang bị đối thủ Benny Grantz, cựu Tổng Tham mưu quân đội Israel và theo chủ trương ôn hòa, cạnh tranh sát sao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tuần này công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền Israel. Năm ngoái ông Trump cũng công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và cho chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến đây, dù Palestine xem Đông Jerusalem là thủ đô nhà nước tương lai của mình. Các hành động này được xem là chiến thắng chính trị lớn với ông Netanyahu, có ý nghĩa quan trong với cuộc bầu cử sắp tới.
Vài tuần trước, đội tranh cử của ông Netanyahu đã đưa ra một số lượng áp phích in cảnh ông Trump tươi cười bắt tay ông Netanyahu – nhấn mạnh quan hệ nồng ấm giữa Israel và Mỹ nhờ bước đi mới của Mỹ trong chính sách Trung Đông có lợi cho Israel.
Tuy nhiên, chưa dừng lại đó, ngày 28-3 ông Netanyahu lại tận dụng tiếp người tiền nhiệm của ông Trump – Tổng thống Mỹ Barack Obama cho chiến dịch tranh cử của mình.
Cụ thể, ngày 28-3, ông Netanyahu đã đưa lên Facebook, Twitter và cả Instagram một đoạn video quay cuộc gặp của ông với Tổng thống Obama khi ông đến thăm Nhà Trắng tháng 5-2011.
“Trước mọi áp lực, tôi sẽ luôn luôn bảo vệ đất nước chúng ta” – ông Netanyahu viết bằng ngôn ngữ Herbew của Israel phía trên đường link dẫn đến đoạn video – cắt ra từ một bản tin tài liệu của đài PBS (Mỹ) năm 2016. Mục đích của ông Netanyahu khi đưa đoạn video này lên là để thu hút thêm phiếu bầu.
Đoạn video quay lại cảnh ông Netanyahu thuyết giảng với ông Obama về chủ trương hòa bình Trung Đông, trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 20-5-2011. Nguồn: YOUTUBE
Cuộc gặp diễn ra vào ngày 20-5-2011, vài ngày sau khi ông Obama nói công khai rằng “biên giới giữa Israel và Palestine nên dựa vào các đường ranh giới năm 1967”.
Đoạn video đưa hình ảnh ông Netanyahu thuyết giảng với ông Obama về chuyện tầm nhìn của đảng Dân chủ Mỹ về các phương pháp đạt được hòa bình Trung Đông không hiện thực thế nào.
Trong đoạn video, ông Netanyahu khẳng định Israel sẽ không bao giờ thối lui về lại biên giới trước cuộc chiến Sáu ngày năm 1967, đồng nghĩa có sự nhượng bộ lớn về lãnh thổ chiếm đóng, điều ông Obama nói là nền tảng với các cuộc thương lượng thiết lập nhà nước Palestine.
“Điều này sẽ không xảy ra. Mọi người đều biết điều này sẽ không xảy ra”, ông Netanyahu nói trong khi ông Obama vẻ mặt rất nghiêm trọng, tay chống cằm và nhìn chăm chú ông Netanyahu với cái nhìn lạnh lẽo.
Ông Obama (phải) và ông Netanyahu (trái) trong lần gặp ở New York (Mỹ) ngày 21-9-2016. Ảnh: REUTERS
Trong đoạn video có cả lời nhận xét của ông Ben Rhodes – cố vấn ông Obama, và phóng viên Nhà Trắng Peter Baker.
“Tôi chưa từng thấy một lãnh đạo nước ngoài nào nói với tổng thống như thế, cả không công khai lẫn công khai ở Phòng Bầu dục”, ông Rhodes nói trong video.
“Nhìn Tổng thống Obama kìa, ông ấy tựa cằm trên tay, và bạn có thể thấy chuyện không tốt đẹp. Và bị thuyết giảng ngay trong văn phòng mình thì rõ ràng là bực bội”, ông Baker nói.
Theo Reuters, thực chất cuộc gặp này là cuộc chạm trán lạnh nhạt giữa ông Netanyahu và ông Obama, và đoạn video ông Netanyahu đưa lên một lần nữa nhắc lại quan hệ lạnh lẽo giữa hai ông.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) trao đổi với Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông Obama sang Israel dự lễ tang của cựu Tổng thống Israel Shimon Peres, ngày 30-9-2016. Ảnh: REUTERS
Cuộc chạm trán này là một sự kiện thể hiện sự chia rẽ sâu sắc giữa ông Netanyahu và ông Obama. Không hiếm khoảnh khắc lạnh nhạt giữa hai ông Netanyahu và Obama suốt 8 năm hai ông cùng cầm quyền, với chủ trương trái ngược nhau về hòa bình Israel-Palestine.
Trong quyển hồi ký của mình năm ngoái, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mô tả ông Netanyahu thiếu tôn trọng ông Obama, đặc biệt nhấn mạnh đến bài phát biểu năm 2015 của ông Netanyahu tại một cuộc họp ở Quốc hội Mỹ, trong đó ông Netanyahu đã chỉ trích việc ông Obama nỗ lực tìm thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Một trong những hành động cuối cùng của ông Obama với tư cách tổng thống là quyết định không bỏ phiếu chống nghị quyết tháng 12-2016 của Liên Hiệp Quốc chỉ trích các hành động tái định cư của Israel ở Bờ Tây và Jerusalem. Quyết định này của ông Obama khiến Israel nổi giận, ông Netanyahu lên tiếng so sánh ông Obama với Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, người mà ông Netanyahu gọi là thù địch với Israel.