Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã giải thích lý do Mỹ giảm số lượng binh sĩ đóng tại Đức trong một hội nghị trực tuyến của Diễn đàn Brussels hôm 25-6, theo báo Hindustan Times.
Ông Pompeo cho biết quá trình rà soát lại việc triển khai lực lượng Mỹ trên toàn cầu được thực hiện theo chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump. Khi được hỏi tại sao Mỹ giảm quân số đồn trú tại Đức, ông Pompeo nói rằng nếu quân Mỹ không có mặt ở đó nữa, thì đó là vì họ sẽ được chuyển đi nơi khác.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) trao đổi với Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AFP
Nhà ngoại giao cao cấp của Mỹ nhấn mạnh những hành động của Trung Quốc có nghĩa là có “những mối đe dọa” cho Ấn Độ và các nước như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và thách thức cho Đông Nam Á.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng quân đội Mỹ được đặt trong tư thế phù hợp để đáp ứng những thách thức này trong thời gian của chúng ta” - ông khẳng định.
Theo báo Economic Times, Ngoại trưởng Pompeo hồi tuần trước đã chỉ trích Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc “leo thang căng thẳng biên giới” với Ấn Độ và quân sự hóa Biển Đông.
Ông tiếp tục công kích Trung Quốc bằng cách cáo buộc nước này muốn xóa bỏ mọi tiến bộ mà thế giới tự do đã đạt được thông qua các thể chế như NATO, và thúc đẩy một bộ quy tắc và chuẩn mực mới có lợi cho Bắc Kinh.
Trong bài viết trên The Straits Times tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Washington sẽ đầu tư nhiều hơn để hiện đại hóa các lực lượng mình ở khu vực và củng cố khả năng ngăn chặn.
Đây là một phần của “các nỗ lực chuẩn bị cho quân đội trước các cuộc xung đột tương lai mà chúng tôi hy vọng sẽ không cần phải đánh, nhưng chúng tôi phải sẵn sàng để thắng (nếu đánh)”, theo ông Esper.
Ông Esper đã kêu gọi các nước đồng minh khu vực Đông Nam Á và cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – như Nhật, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Ấn Độ - thắt chặt quan hệ an ninh với Mỹ giữa bối cảnh đang có các thách thức từ đại dịch COVID-19 và từ Trung Quốc.
Ông cũng cáo buộc Trung Quốc có các “hành động ác ý”, gây mất ổn định ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông Esper liệt kê các hành động của Trung Quốc: phá rối sự quản lý của Nhật Bản ở quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư, quấy rối tàu thăm dò dầu Malaysia và Việt Nam, đưa tàu cá tới vùng đặc quyền kinh tế các nước Đông Nam Á, quân sự hóa các thực thể chiếm đóng vi phạm luật quốc tế mà Bắc Kinh có tham gia.
Phản ứng với các ý kiến của ông Esper, Đại sứ Trung Quốc tại Singapore Hồng Tiểu Dũng ngày 22-6 cáo buộc ông Esper “gia tăng căng thẳng bằng việc dán nhãn Trung Quốc là một mối đe dọa và kêu gọi cùng hợp tác ngăn chặn”.