Ông Tập báo động chuyện bảo vệ lợi ích Trung Quốc ở nước ngoài

Việc bảo vệ lợi ích của Trung Quốc (TQ) ở nước ngoài đã trở thành một vấn đề cấp bách với chính quyền Bắc Kinh, trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp nước này phải đối mặt nhiều cuộc chiến pháp lý gay gắt ở nước ngoài. Đây là nội dung bài phân tích của nhà báo Jun Mai (hiện đang công tác tại Bắc Kinh) đăng trên báo South China Morning Post ngày 2-3.

Chủ tịch Tập quan ngại

Hồi năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc thiếu chuyên gia pháp lý trong việc bảo vệ các lợi ích ngày càng tăng của Bắc Kinh, và gọi điều này là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Mãi đến tháng 12-2020, bài phát biểu trên của ông Tập mới được công khai, cùng các phát biểu của ông về việc “cai trị đất nước một cách toàn diện theo luật pháp”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: XINHUA

“Số lượng lớn các vấn đề liên quan tới nước ngoài của các công ty Trung Quốc đang nằm trong tay các công ty luật có trụ sở ở Mỹ và châu Âu. Điều này đặt ra một rủi ro an ninh rất lớn” - ông Tập hồi 2-2019 nói trước cơ quan thực thi pháp luật hàng đầu của Trung Quốc.

“Các cơ quan hữu quan phải đưa ra giải pháp và quyết tâm giải quyết vấn đề” ông Tập nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu, ông Tập nhấn mạnh rằng các tranh chấp quốc tế cần được giải quyết hiệu quả "từ góc độ pháp lý", đồng thời nêu bật mối lo ngại về sự khan hiếm nhân tài của Trung Quốc trong lĩnh vực luật pháp quốc tế.

Ông nói rằng điều này phải được giải quyết nhằm phục vụ các lợi ích thương mại ngày càng mở rộng của Trung Quốc ở nước ngoài. 

Theo ông Tập, chưa đến 600 luật sư Trung Quốc có khả năng giải quyết độc lập các tranh chấp thương mại thông thường, như các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp, và chỉ khoảng một nửa đủ điều kiện để thụ lý các vụ kiện tại cơ quan phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ông Tập cũng muốn có thêm các chuyên gia pháp lý là người Trung Quốc trong các cơ quan quốc tế.

“Chúng ta cần nhiều nhân tài trong lĩnh vực pháp lý hơn để đảm nhận các vị trí tại các tổ chức kinh tế, thương mại và trọng tài quốc tế, để chủ động tham gia - và hy vọng dẫn đầu - nỗ lực xây dựng các quy tắc, nhằm tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trong quản trị toàn cầu” – ông Tập nhấn mạnh.

Giới phân tích nhận định

SCMP dẫn lời các nhà phân tích đánh giá phát ngôn của ông Tập phản ánh nhận thức ngày càng tăng của giới lãnh đạo Bắc Kinh rằng nước này đang gặp bất lợi trong các vấn đề luật pháp quốc tế, từ phán quyết Biển Đông năm 2016, vốn tuyên bố các yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đến cuộc chiến pháp lý liên quan TikTok ở Mỹ.

Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện Biển Đông năm 2016 do Philippines đệ trình tại Tòa trọng tài (PCA) tại The Hague và đến nay vẫn bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông, chỉ trích tính hợp pháp của tòa, thậm chí gọi nó là “không gì khác một mẩu giấy lộn”.

Kể từ đó, các cuộc thảo luận về cách xử lý tốt hơn các tranh chấp pháp lý quốc tế đã thu hút sự quan tâm trong cộng đồng chính sách đối ngoại của Trung Quốc.  

Trong một cuộc họp các cơ quan tham vấn chính trị hàng đầu Trung Quốc hồi tháng 4-2020, bà Yang Yanyi - cựu đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) – đã kêu gọi nuôi dưỡng nhiều tài năng trong lĩnh vực luật pháp quốc tế hơn nữa nhằm bảo vệ các lợi ích hàng hải, không gian, vùng cực và công nghệ cao đang phát triển của Trung Quốc.

Cũng tại cuộc họp trên, việc thiếu hỗ trợ pháp lý cho các dự án ở nước ngoài theo sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc cũng là một chủ đề gây tranh cãi.

Ông Wang Jiangyu - giáo sư luật quốc tế tại ĐH Thành phố Hong Kong - cho biết sự giám sát ngày càng tăng của quốc tế đối với các công ty Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm có thể dẫn đến những lo ngại về pháp lý.

“Các lĩnh vực trước đây vốn không mấy nhạy cảm nay đã trở thành một mối lo dưới sự thay đổi của môi trường địa chính trị. Ví dụ, các công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay được coi là khá nhạy cảm”.

Theo ông Wang, các doanh nghiệp nhà nước cũng là một mối quan tâm do có mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc và hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng chiến lược như tài nguyên thiên nhiên và năng lượng.

Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague công bố phán quyết về Biển Đông. Ảnh: SCMP 

Theo SCMP, dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty công nghệ Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia. Đây là chính sách nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng và chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện tại vẫn duy trì chính sách đó.

Trong phần lớn các vụ kiện tụng ở nước ngoài, đại diện các công ty Trung Quốc thường là các công ty luật ở nước sở tại. Chẳng hạn công ty mạng xã hội TikTok đã thuê một nhóm luật sư mà dẫn đầu là bà Beth Brinkman – người từng giữ chức vụ cao trong Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama – để thách thức sắc lệnh của ông Trump nhằm vào công ty này hồi năm 2020.

Ông Wang nhận định Trung Quốc có thể mất từ hai đến ba thập niên mới có thể hội tụ đủ nguồn nhân lực trong lĩnh vực pháp lý để tham gia các vụ kiện quốc tế. Ông cho biết những trở ngại chính là kỹ năng ngoại ngữ cần thiết để tranh luận pháp lý bằng tiếng Anh và hiểu biết hệ thống luật pháp chung.

“Rất khó để tìm được các giảng viên có trình độ ở Trung Quốc [để đào tạo luật sư]. Tôi không nghĩ những người nói tiếng Anh bản địa được phép giảng dạy luật quốc tế ở các trường ĐH Trung Quốc, vì lý do chính trị hoặc lý do khác” – ông Wang nói.

Ông He Zhipeng - giáo sư luật tại ĐH Cát Lâm - ước tính rằng chưa đến một nửa số sinh viên chuyên ngành luật quốc tế tốt nghiệp tại các trường luật lớn của Trung Quốc những năm gần đây có thể tìm được việc làm trong lĩnh vực này.

Ông He lý giải điều này là do không có đủ các vị trí trong chính phủ liên quan ngành luật quốc tế. Ngoài ra, những giới hạn khắt khe về số lượng nhân viên đã gây khó khăn cho việc tuyển dụng nhân tài mới tại những cơ quan như Vụ Luật Pháp Và Điều Ước Quốc Tế thuộc cả Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại, hoặc tại các đại sứ quán Trung Quốc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm