Ngày 17-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết khu vực châu Á-Thái Bình Dương “không là sân sau của ai”, thúc giục tăng cường hợp tác về phát triển và an ninh trong khu vực, theo đài RT.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp (CEO Summit) của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Thái Lan, ông Tập cho biết: “Châu Á-Thái Bình Dương không nên trở thành đấu trường cho một cuộc cạnh tranh quyền lực”.
“Bất kỳ nỗ lực khuấy động một cuộc chiến tranh lạnh mới nào cũng không được phép trong thời đại của chúng ta” - ông nói.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đến Thái Lan ngày 17-11 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Ảnh: AFP |
Theo ông, việc phá vỡ hoặc thậm chí phá hủy chuỗi cung ứng đã hình thành ở châu Á-Thái Bình Dương trong nhiều năm sẽ chỉ khiến hợp tác kinh tế của khu vực đi vào ngõ cụt.
Ông Tập nhấn mạnh: “Thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á-Thái Bình Dương. Chúng ta, các thành viên của khu vực này, đã đi một chặng đường dài để theo đuổi phát triển kinh tế và chắc chắn rằng chúng ta sẽ viết nên một chương rực rỡ hơn trong những năm tới”.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra đề xuất sáu điểm để thúc đẩy phát triển khu vực, bao gồm: củng cố nền tảng phát triển hòa bình, xem con người là trung tâm của sự phát triển, tăng mức độ cởi mở, tăng cường kết nối, xây dựng chuỗi cung ứng ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo RT, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm khoảng 60% dân số thế giới và gần 50% sản lượng kinh tế toàn cầu. Đây là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới và là một trung tâm thương mại toàn cầu.
Theo báo cáo tháng trước của công ty tư vấn tài chính S&P Global Market Intelligence, các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương sẽ thống trị tăng trưởng toàn cầu trong năm tới. S&P dự đoán khu vực này sẽ đạt mức tăng trưởng thực tế khoảng 3,5% vào năm 2023, trong khi châu Âu và Mỹ có thể sẽ phải đối mặt nguy cơ suy thoái.