Ông Trump bị truy tố lần 3: Ảnh hưởng sao đến chiến dịch tranh cử tổng thống?

(PLO)- Việc bị truy tố lần 3 có thể ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tranh cử tổng thống của ông Trump.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 1-8, các công tố viên Mỹ truy tố cựu Tổng thống Donald Trump liên quan nỗ lực lật ngược kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, dẫn đến bạo loạn tại trụ sở quốc hội Mỹ, theo hãng tin Reuters.

Cựu tổng thống đã được yêu cầu trình diện tại tòa án liên bang vào ngày 3-8 (giờ địa phương).

Đây là thứ ba ông Trump bị truy tố, tính từ đầu năm đến nay. Giới quan sát nhận định vụ việc sẽ khiến hồ sơ pháp lý của ông Trump thêm phức tạp và phần nào cản trở quá trình tái tranh cử tổng thống của ông.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Ông Trump bị cáo buộc những tội gì?

Bản cáo trạng được các công tố viên đưa ra vào ngày 1-8 dài 45 trang. Trong đó, các công tố viên cáo buộc ông Trump phạm 4 tội danh, bao gồm: (1) âm mưu lừa gạt nước Mỹ, (2) âm mưu cản trở thủ tục tố tụng chính thức, (3) cản trở và cố gắng cản trở thủ tục chính thức, (4) âm mưu chống lại các quyền hợp pháp.

Cụ thể, đài BBC cho biết tội âm mưu lừa gạt nước Mỹ là tội "hai hoặc nhiều người âm mưu thực hiện hành vi phạm tội chống lại Mỹ, lừa gạt nước Mỹ hoặc bất kỳ cơ quan nào của Mỹ".

Bản cáo trạng hôm 1-8 cáo buộc ông Trump và 6 đồng phạm (giấu tên) đã cố gắng lừa gạt nước Mỹ với mục đích "lật ngược kết quả hợp pháp của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020”. Các công tố viên cho rằng ông Trump cố gắng lật ngược kết quả bầu cử bằng cách sử dụng các cáo buộc gian lận bầu cử có chủ ý, dù trước đó kết quả bầu cử đã được thu thập, kiểm đếm và xác thực.

Về âm mưu cản trở thủ tục tố tụng chính thức, bản cáo trạng đề cập việc ông Trump có những nỗ lực lặp đi lặp lại nhằm ngăn chặn hoặc làm suy yếu quá trình xác thực của Quốc hội về kết quả bầu cử năm 2020. Theo các công tố viên, điều này đã dẫn đến cuộc bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6-1-2021.

Bản cáo trạng cũng cáo buộc ông Trump phạm tội cản trở thủ tục tố tụng chính thức. Để chứng minh cho cáo buộc này, các công tố viên đã đề cập việc ông Trump cố gắng ngăn chặn Quốc hội xác nhận phiếu đại cử tri vào ngày 6-1-2021.

Về âm mưu chống lại các quyền hợp pháp, luật Mỹ quy định tội này là hành vi một quan chức có thẩm quyền hợp pháp tước đoạt quyền của một người nào đó. Theo bản cáo trạng, ông Trump và các đồng phạm đã cố gắng "làm tổn thương, áp bức, đe dọa một hoặc nhiều người trong việc tự do thực hiện quyền bầu cử”.

Trước các cáo buộc trên, đội tranh cử của ông Trump ngày 1-8 cho rằng cựu tổng thống luôn tuân thủ luật pháp và mô tả bản cáo trạng là một “cuộc đàn áp” chính trị.

Đám đông người ủng hộ ông Trump xông vào Điện Capitol ngày 6-1-2021. Ảnh: REUTERS

Đám đông người ủng hộ ông Trump xông vào Điện Capitol ngày 6-1-2021. Ảnh: REUTERS

Ông Trump cũng chỉ trích bản cáo trạng: “Tôi nghe nói rằng ông Jack Smith sẽ đưa ra một bản cáo trạng sai lệch nữa về tôi - tổng thống yêu thích của bạn, nhằm mục đích can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống sắp tới”.

“Tại sao họ không làm điều này hai năm rưỡi trước mà lại đợi lâu như vậy? Bởi vì họ muốn đặt nó ngay giữa chiến dịch tranh cử của tôi. Đây là hành vi sai trái của cơ quan tố tụng” - ông viết trên mạng xã hội Truth Social.

Tác động ra sao đến chiến dịch tranh cử?

Hiến pháp Mỹ yêu cầu các ứng cử viên tổng thống phải là công dân Mỹ, ít nhất 35 tuổi và đã sống ở quốc gia này ít nhất 14 năm. Do đó, theo đài Al Jazeera, cả việc bị truy tố hay bị buộc tội đều không thể ngăn ông Trump tranh cử năm 2024.

Theo tờ The Guardian, không giống như hai lần bị truy tố trước, lần bị truy tố ngày 1-8 cho thấy ông Trump đã trực tiếp tham gia các hành vi bị cho là phạm tội.

“Đây là một trong những điều tồi tệ nhất mà một tổng thống Mỹ từng làm. Tính chất của bản cáo trạng phù hợp với mức độ những gì ông Trump đã cố gắng làm. Đó là lật đổ hệ thống hiến pháp để giữ chức” - ông Michael Waldman, chuyên gia tại trường Luật của ĐH New York (Mỹ), nhận định.

Hai lần bị truy tố trước đó đã góp phần nâng cao sức ảnh hưởng của ông Trump trong đảng Cộng hòa. Hai lần bị truy tố này cũng khiến tỉ lệ ủng hộ ông Trump đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống Mỹ tăng lên.

Tuy nhiên, theo đài CNN, lần bị truy tố thứ ba có thể khiến các cử tri Cộng hòa xem xét khả năng không ủng hộ ông Trump, vì cho rằng cựu tổng thống đang có quá nhiều trách nhiệm pháp lý cần phải giải quyết. Ngoài ra, lần bị truy tố mới cũng sẽ tạo cơ hội cho các đối thủ của ông Trump trong đảng Cộng hòa chỉ ra những hạn chế của cựu tổng thống.

Mới đây, trả phỏng vấn với đài CNN, Thống đốc bang Florida - ông Ron DeSantis nhắc lại cảnh báo của ông Trump, rằng nước Mỹ đang “hình sự hóa những khác biệt chính trị”. Tuy nhiên, ông DeSantis cũng có ý cho rằng những rắc rối pháp lý của ông Trump khiến các cử tri bị phân tâm.

“Đất nước này cần có một cuộc tranh luận về tương lai. Nếu tôi là người được đề cử, chúng ta sẽ có thể tập trung vào những thất bại của Tổng thống Joe Biden và tôi sẽ có thể đưa ra một tầm nhìn tích cực cho tương lai” - ông DeSantis nói.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một điểm vận động tranh cử hôm 29-7. Ảnh: AP

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một điểm vận động tranh cử hôm 29-7. Ảnh: AP

Cựu Thống đốc bang South Carolina - bà Nikki Haley cũng đưa ra quan điểm tương tự nhưng mạnh mẽ hơn. “Phần còn lại của cuộc bầu cử sơ bộ này sẽ liên quan đến ông Trump. Nó sẽ liên quan đến các vụ kiện, nó sẽ liên quan đến phí pháp lý, nó sẽ liên quan đến các thẩm phán. Nó sẽ khiến các cử tri thêm phân tâm” - bà Haley nói với đài Fox News.

Bên cạnh đó, CNN cho rằng lần bị truy tố mới có thể làm các cử tri thêm hoang mang. Theo đó, các cử tri sẽ phân vân về việc có nên bầu cho một người từng bị truy tố làm tổng thống hay không, trong khi chức vụ này nắm giữ những bí mật quan trọng nhất của nước Mỹ.

Tuy nhiên theo CNN, nếu tái đắc cử tổng thống Mỹ, ông Trump có quyền xóa bỏ một số vụ kiện chống lại mình.

Các phiên tòa trong năm 2024 có thể ảnh hưởng đến lịch trình tranh cử của ông Trump?

Hồi tháng 4, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị truy tố với 34 trọng tội làm sai lệch hồ sơ kinh doanh, liên quan việc trả tiền bịt miệng ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels.

Theo tờ Politico, phiên tòa được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 25-3-2024.

Vụ ông Trump bị truy tố vì tội làm sai lệch hồ sơ kinh doanh chưa nguội bớt thì hai tháng sau, cựu tổng thống Mỹ lại vướng vào một rắc rối pháp lý khác.

Ngày 9-6, các công tố viên đã công bố bản cáo trạng gồm 49 trang, cáo buộc ông Trump mang “hàng trăm” tài liệu mật của chính phủ đến dinh thự riêng ở bang Florida.

Phiên tòa xét xử vụ án dự kiến diễn ra vào ngày 20-5-2024 tại tòa án khu vực Fort Pierce, Florida.

Tờ The New York Times cho biết ông Trump buộc phải có mặt tại các phiên tòa này. Điều này có thể ảnh hưởng đến lịch trình vận động tranh cử tổng thống của ông Trump, buộc ông phải vắng mặt khỏi các cuộc vận động trong nhiều tuần liền, nếu ông đại diện đảng Cộng hòa tranh cử.

Ngoài ra, người điều hành các phiên tòa này cũng có thể gặp những thách thức chưa từng có trong việc sắp xếp hậu cần, quy trình pháp lý và thủ tục hành chính, để tạo điều kiện cho ông Trump xuất hiện trước tòa.

“Các tòa án sẽ phải đưa ra quyết định để cân bằng giữa việc xét xử nhanh chóng và việc ông Trump có thể vận động tranh cử theo luật. Đó là một quy trình phức tạp mà các tòa án chưa bao giờ phải giải quyết trước đây” - cựu công tố viên Bruce Green cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm