Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn tăng chi tiêu quốc phòng thêm 9% trong tài khóa mới, một mức tăng lịch sử và một trong những kế hoạch quân sự sắp đến của ông Trump là tăng hiện diện ở biển Đông, Reuters dẫn thông tin từ một số quan chức Nhà Trắng phụ trách ngân sách.
Ngày 28-2 (giờ Mỹ), ông Trump sẽ lần đầu tiên tham gia họp Quốc hội và nêu đề xuất ngân sách. Ông Trump sẽ yêu cầu Quốc hội tăng chi tiêu cho Bộ Quốc phòng tài khóa mới thêm 54 tỉ USD.
Số liệu từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho thấy chi tiêu quốc phòng trong tài khóa 2016 là 584 tỉ USD. Khoản tăng 54 tỉ USD tương đương 9% là một mức tăng cao nhất trong thời bình, theo ông Mark Cancian - cố vấn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Chi tiêu quốc phòng chiếm khoảng 1/6 tổng ngân sách Mỹ.
Khoản tăng này sẽ được bù vào bằng các khoản cắt giảm ở Bộ Ngoại giao và hỗ trợ nước ngoài, Cơ quan Bảo vệ Môi trường, và một số chương trình phi quốc phòng khác. Các chương trình xã hội liên bang như An sinh xã hội, chăm sóc y tế người già (Medicare) không bị ảnh hưởng, theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại buổi tiệc với các thống đốc tại Nhà Trắng ngày 26-2. Ảnh: REUTERS
Nói với một số thống đốc thăm Nhà Trắng ngày 26-2, ông Trump cho biết “mức tăng chi tiêu quốc phòng lịch sử này nhằm tái thiết quân đội Mỹ đang có dấu hiệu suy yếu. Đây là một sự kiện quan trọng và là thông điệp gửi đến thế giới về sức mạnh, sự bảo đảm và quyết tâm của Mỹ trong thời điểm nguy hiểm này. Phải chắc rằng quân nhân chúng ta có được những công cụ họ cần để chiến đấu và chiến thắng".
Trước đó ông Trump từng nói sẽ mở rộng quy mô lục quân lên 540.000 quân thay vì 480.000 quân hiện nay; tăng quy mô hải quân từ 23 tiểu đoàn hiện nay lên 36 tiểu đoàn - tương đương tăng thêm 10.000 lính thủy; tăng số lượng tàu chiến và tàu ngầm từ 276 hiện nay lên 350 và tăng số máy bay chiến đấu từ 1.100 chiếc hiện nay lên 1.200 chiếc.
Ngoài ra theo ông Trump, Mỹ sẽ tăng phát triển tên lửa phòng thủ và năng lực chiến tranh mạng. Nói với Reuters tuần trước, ông Trump nhận định năng lực vũ khí hạt nhân của Mỹ đã suy yếu, tuyên bố sẽ giữ Mỹ ở vị trí đứng đầu thế giới về sức mạnh hạt nhân.
Tăng hiện diện trên biển
Một nguồn tin biết về đề xuất ngân sách của ông Trump cho biết, Bộ Quốc phòng ngoài tăng chi tiêu đóng tàu chiến, máy bay quân sự còn phải tăng hiện diện ở các vùng biển quốc tế chiến lược và có nhiều nguy cơ xung đột như eo biển Hormuz và biển Đông. Từ điều này có thể đoán Mỹ sẽ phải đối đầu với Iran và Trung Quốc.
Reuters nhận định việc tăng lịch sử chi tiêu quốc phòng trong thời điểm Mỹ không dính vào một cuộc chiến tranh lớn là điều bất thường, dù Mỹ đang dẫn đầu liên quân đánh IS ở Iraq và Syria.
Trong khi đó, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện cho rằng việc cắt giảm chi tiêu các cơ quan, chương trình khác để lấy tiền bù tăng chi tiêu quốc phòng cho thấy ông Trump không đặt quyền lợi các gia đình Mỹ lên hàng đầu.
“Cắt giảm 54 tỉ USD từ các cơ quan, chương trình phi quốc phòng sẽ tổn hại lâu dài đến nhu cầu của người Mỹ và tăng việc làm trong tương lai. Tổng thống đang từ bỏ sự dẫn đầu của Mỹ trong các lĩnh vực phát triển, giáo dục, khoa học và năng lượng sạch” - theo bà Pelosi.
Một quan chức cho biết ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao sẽ bị cắt giảm 30%. Với sự cắt giảm này, Bộ Ngoại giao sẽ phải trải qua sự tái cấu trúc rất lớn cũng như loại bỏ nhiều chương trình. Hằng năm Mỹ chi khoảng 50 tỉ USD cho Bộ Ngoại giao và hỗ trợ nước ngoài.
Ngày 27-2, hơn 120 tướng và đô đốc về hưu của Mỹ đã đề nghị Quốc hội giữ nguyên mức chi tiêu cho Bộ Ngoại giao và hỗ trợ nước ngoài. Theo họ, điều này sẽ giúp củng cố và làm vững mạnh vấn đề ngoại giao, góp phần quan trọng giữ nước Mỹ an toàn.