Ngày 12-2, một ngày sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hủy Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) ký với Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng rằng ông không quan tâm đến quyết định này, báo South China Morning Post đưa tin.
Ông Trump: Mỹ càng tiết kiệm nhiều tiền
"Tôi không quan tâm về điều này lắm và nếu họ muốn chấm dứt nó, điều này sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền. Quan điểm của tôi khác với những người khác" - ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng khi được hỏi về động thái của ông Duterte và liệu ông có thể làm gì để người đồng cấp Philippines xem xét lại quyết định trên hay không.
Ông Trump nói rằng ông không bận tâm đến quyết định của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AP
Ông Trump còn nhắc lại chuyện Mỹ đã giúp Philippines đánh bại phiến quân Nhà nước Hồi giáo, đồng thời nói hiện ông vẫn đang có một mối quan hệ rất tốt với ông Duterte và nói thêm rằng "chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra".
Tổng thống Trump từ lâu đã bày tỏ mong muốn đưa lực lượng quân đội Mỹ về nước sau các cuộc triển khai kéo dài hàng thập kỷ ở nước ngoài. Đồng thời, ông cũng đã buộc một số đồng minh vũ trang trả nhiều tiền hơn cho sự hiện diện của mình tại các nước.
Trong khi ông Trump nói không quan tâm thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper trước đó cho quyết định của Philippines là điều đáng tiếc, trong bối cảnh Mỹ cố gắng đẩy cao sự hiện diện và cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo một số nhà quan sát, quyết định của ông Duterte có thể làm phức tạp lợi ích quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương khi Trung Quốc đang muốn tăng sự hiện diện của mình tại khu vực.
Trước khi Bộ trưởng Esper lên tiếng, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim cảnh báo bước đi nghiêm trọng từ phía Manila sẽ ảnh hưởng đến liên minh Mỹ - Philippines.
Philippines bị thiệt?
Hôm 11-2, Tổng thống Duterte tuyên bố chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) ký với Mỹ năm 1998, vốn quy định các điều khoản pháp lý cho các cuộc tập trận chung và các hoạt động của binh sĩ Mỹ ở Philippines như huấn luyện và tham gia các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo.
Ông Duterte từng đề cập chuyện này từ khi mới nhậm chức tổng thống năm 2016 và vừa nhắc lại tháng trước sau khi Mỹ thu hồi visa của một cựu cảnh sát trưởng Philippines, người từng lãnh đạo cuộc chiến chống ma túy đầy tranh cãi do ông Duterte phát động.
Lên tiếng từ Manila tối 10-2, một ngày trước khi chính thức thông báo hủy thỏa thuận, ông Duterte nói: “Ông Trump và nhiều người khác đang cố gắng cứu Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng. Tôi nói tôi không muốn nó”.
Tổng thống Duterte phát biểu tại Manila hôm ngày 10-2, một ngày trước khi chính thức thông báo hủy thỏa thuận. Ảnh: AP
Một số thượng nghị sĩ Philippines đã nhanh chóng tìm cách ngăn chặn động thái này, cho rằng Duterte không có quyền đơn phương hủy bỏ các hiệp ước quốc tế mà cần phải được Thượng viện phê chuẩn.
Ngoài ra, một số nhà lập pháp ở Philippines lo ngại rằng nếu không có VFA, hai hiệp ước khác tạo nên mối liên minh lâu dài của Mỹ với Manila cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng, đó là Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 (MDT, quy định hai bên sẽ bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp một bên bị lực lượng nước ngoài tấn công) và Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao, ký năm 2014 (EDCA, cho phép quân đội Mỹ sử dụng năm căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines).
Những người ủng hộ các thỏa thuận nói rằng những thỏa thuận trên đã giúp ngăn chặn quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông và 1,3 tỉ USD viện trợ quốc phòng của Mỹ kể từ năm 1998 là rất quan trọng đối với Philippines, khi nguồn lực của nước này còn hạn chế.