Hơn hai tháng sau khi Mỹ đe dọa chấm dứt sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ đối với chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), Tổng thống Trump ngày 16-5 đã thực sự làm như vậy, nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ không còn là quốc gia đang phát triển.
Động thái trên diễn ra giữa lúc căng thẳng đang dâng cao giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian gần đây liên quan tới nhiều sự kiện, trong đó có việc Ankara từ chối từ bỏ hệ thống phòng không S-400 của Moscow – điều Washington vốn nhìn nhận là mối đe dọa trực tiếp cho an ninh quốc gia và lợi ích nước mình.
Tấm áp phích tờ USD của Mỹ và tờ Lira của Thổ Nhĩ Kỳ (trái). Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters cho biết, Mỹ ngày 16-5 chấm dứt ưu đãi thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ vốn cho phép hàng xuất khẩu đi vào Mỹ được miễn thuế, tuy nhiên đã giảm một nửa mức thuế nhập khẩu thép của Thổ Nhĩ Kỳ xuống còn 25%.
Nhà Trắng cho biết việc chấm dứt tư cách tham gia chương trình GSP của Thổ Nhĩ Kỳ là phù hợp, xét mức độ phát triển kinh tế của nước này. Quyết định trên có hiệu lực vào ngày 17-5, Nhà Trắng cho biết.
Theo hãng tin RT, động thái này được nhìn nhận là sự trả đũa của Washington trước các chính sách ngày càng độc lập của Ankara.
Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) hồi đầu tháng 3 cho hay Thổ Nhĩ Kỳ không còn được áp dụng GSP nữa do nước này đã “phát triển đầy đủ về kinh tế.”
USTR bắt đầu tiến hành rà soát việc áp dụng GSP đối với Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 8-2018, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vướng vào vụ lùm xùm ngoại giao liên quan vụ mục sư người Mỹ Andrew Brunson bị bắt tại Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc khủng bố và gián điệp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Indian Express
Tuy nhiên, Ankara hy vọng Washington sẽ không đi đến quyết định này, và nói rằng nó sẽ đi ngược lại mục tiêu 75 tỉ USD thương mại song phương mà Tổng thống Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đưa ra.
Trong một thông báo sau đó trong ngày 16-5, Nhà Trắng cho biết Mỹ giảm một nửa mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thép của Thổ Nhĩ Kỳ, từ 50% xuống còn 25%.
Thông báo nêu rõ: "Duy trì mức thuế 25% đối với đa số các nước là cần thiết và phù hợp vào thời điểm hiện tại nhằm đối phó với các mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ”.
Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số 120 nước tham gia GSP - chương trình ưu đãi thương mại lớn nhất của Mỹ, theo đó miễn thuế cho hàng nghìn mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của những quốc gia và vùng lãnh thổ được hưởng quy chế này. Miễn thuế áp dụng cho các mặt hàng trang sức, kim loại quý, phụ tùng xe, một số nông sản và thủy sản nhất định cùng với các loại hàng hóa thương mại khác.
Theo trang web của USTR, năm 2017, Mỹ nhập lượng hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 1,66 tỉ USD trong khuôn khổ GSP, chiếm 17,7% tổng giá trị hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ nhập vào Mỹ.
Quay trở lại những tranh cãi liên quan vụ mục sư người Mỹ Andrew Brunson bị bắt tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018, Tổng thống Trump đã nâng thuế đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gây sức ép kinh tế lên thành viên NATO này, buộc nước này phải thả mục sư Andrew Brunson.
Động thái trên của nhà lãnh đạo Mỹ khiến giá trị đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ bị tác động nghiêm trọng. Tháng 10-2018, mục sư Brunson được trả tự do. Tuy nhiên, quan hệ hai nước vẫn không cải thiện do những bất đồng quanh thương vụ mua hệ thống S-400 từ Nga của Thổ Nhĩ Kỳ và vấn đề Syria.
Mỹ ngừng ưu đãi thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan tới thỏa thuận S-400? Ảnh: TASS
Mỹ đã gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ rút lại thỏa thuận mua S-400 từ Nga, lý do là hệ thống phòng không của Nga không tương thích với các hệ thống của NATO và gây nguy hiểm cho tiêm kích tàng hình F-35 khi phơi bày những điểm yếu của máy bay này cho Moscow.
Đáp trả, Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết tuân thủ thỏa thuận, thậm chí đề nghị thành lập một ủy ban chung nhằm đảm bảo nước này sử dụng an toàn S-400 và F-35, nhưng Mỹ phớt lờ.
Thay vào đó, Washington đóng băng việc cung cấp các linh kiện F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và dọa nước này bằng lệnh trừng phạt, thậm chí dọa trục xuất khỏi NATO nếu Ankara không rút lại thỏa thuận S-400.
Mỹ cũng được cho đã bắt đầu tìm các lựa chọn khác để thay thế Thổ Nhĩ Kỳ làm nhà sản xuất độc quyền một số linh kiện F-35 nhất định. Bất chấp sức ép, Ankara khẳng định việc chuyển giao S-400 sẽ được thực hiện đúng thời hạn vào tháng 7-2019.
Ngoài ra, quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trước đó còn bị phủ bóng bởi những bất đồng quanh vấn đề Syria. Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Mỹ dừng hỗ trợ lực lượng dân quân người Kurd ở Syria mà Ankara cho là tổ chức khủng bố, cánh tay nối dài của Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Đáp lại, Washington yêu cầu Ankara chấm dứt các hành động quân sự ở phía Đông sông Euphrates, Syria- điều có thể gây nguy hiểm cho các lực lượng được Mỹ bảo trợ.