Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết ông từng đề nghị các hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chỉ nhắm hai mục đích: Thiết thực và hiệu quả. “Chỉ có như thế tổ chức của chúng ta mới có ý nghĩa và đóng góp nhiều cho xã hội” - ông Duyệt nói.
Về đổi mới tổ chức, ông Duyệt kiến nghị: “Đề nghị Trung ương nhanh chóng đổi mới sự lãnh đạo, trước hết là trong quan hệ giữa Đảng - Nhà nước - Mặt trận và các đoàn thể. Đảng là thành viên của Mặt trận, đồng thời lãnh đạo Mặt trận thì phân vai thế nào phải rõ”. Ông Duyệt cho rằng Đảng phải hành động mạnh mẽ hơn nữa trong đổi mới tổ chức hoạt động để kéo cả hệ thống cùng vận hành bởi “trên có làm thì dưới mới chuyển”.
Cụ thể hơn, ông Duyệt nói các cán bộ Mặt trận, đoàn thể phải hiểu rõ vai trò, chức năng của mình trước những đòi hỏi của thực tiễn. “Mặt trận đi vào khối đại đoàn kết toàn dân. Thanh niên đi vào giải quyết vấn đề nghiện hút, công ăn việc làm. Hội nông dân đi vào công tác giảm nghèo” - ông Duyệt nói.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng: “Trong quá khứ, như các văn bản của Đảng đã nói, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do chủ quan, duy ý chí. Vì vậy, trong đổi mới tổ chức, hoạt động cần tránh những sai lầm mà Đảng đã nêu”.
Từ đó, ông Túc đề nghị Đảng cũng như các tổ chức, đoàn thể phải củng cố liên hệ giữa Đảng và nhân dân, khắc phục tình trạng quan liêu, xa rời dân.
“Mọi chủ trương chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích nguyện vọng và khả năng của nhân dân lao động. Từ đó mới khơi dậy sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng” - ông Túc nói.