Pháp: Biểu tình vụ thanh niên da đen chết tại đồn cảnh sát

Ngày 2-6, khoảng 20.000 người xuống đường ở thủ đô Paris (Pháp) phản đối vụ một thanh niên da đen chết tại đồn cảnh sát, theo hãng tin AFP

Nam thanh niên da đen tên Adama Traore chết tại đồn cảnh sát ở Paris sau khi bị bắt giữ. Vụ việc xảy ra từ năm 2016. 

Vụ việc xảy ra đã nhiều năm nhưng thời điểm này người dân Paris vẫn xuống đường biểu tình vì ngày 25-5 vừa qua xuất hiện báo cáo kết luận nguyên nhân cái chết của thanh niên Traore mà họ cho nhằm xóa tội cho cảnh sát. Bên cạnh đó cuộc biểu tình ở Paris cũng được truyền cảm hứng từ cuộc biểu tình hiện tại ở Mỹ.

Người biểu tình tụ tập trên đường phố Paris hôm 2-6, bất chấp lệnh cấm vì COVID-19. Ảnh: AP

Bất chấp lệnh cấm tụ tập trên 10 người vì dịch COVID-19, cuối ngày 2-6, hàng chục ngàn người biểu tình đã tụ tập bên ngoài một tòa án ở thủ đô Paris, giơ cao các biểu ngữ "Black Lives Matter" (Người da đen đáng được sống” và "I can’t breathe” (Tôi không thở được), tương tự các cuộc biểu tình tại Mỹ.

Người biểu tình phản đối các kết luận về cái chết của thanh niên Traore, đồng thời khẳng định rằng cái chết của Traore cho thấy “hành động tàn bạo” của cảnh sát Pháp.

Một người đàn ông giơ biểu ngữ "Người da đen đáng được sống" trong biểu tình hôm 2-6.

Các cuộc đụng độ lẻ tẻ cũng đã nổ ra tại các khu vực xung quanh Paris khi người biểu tình ném đá vào cảnh sát và bị đáp trả bằng đạn cao su. Rào chắn cũng đã được dựng lên tại một số con đường trong thủ đô Paris.

Ngoài Paris, các cuộc biểu tình cũng nổ ra ở nhiều nơi trong nước Pháp với 2.500 người tham gia ở TP Lille, 1.800 người ở TP Marseille và 1.200 ở TP Lyon, theo AFP.

Nhiều người nói rằng họ đã được “truyền cảm hứng” từ các phong trào biểu tình hiện nay tại Mỹ xung quanh cái chết của người đàn ông da màu George Floyd.

Thanh niên da màu Adama Traore chết tại đồn cảnh sát năm 2016

Chị gái của Adama Traore - cô Assa Traore đã nói trước đám động rằng: "Chúng tôi không chỉ nói về cuộc đấu tranh của gia đình Traore, mà đó là cuộc đấu tranh cho tất cả mọi người. Chiến đấu vì George Floyd có nghĩa là chúng tôi chiến đấu vì Adama Traore. Những gì đang xảy ra ở Mỹ là một tiếng vang đối với những việc đang xảy ra ở Pháp".

Người biểu tình giơ cao biểu ngữ "Tôi không thở được". Ảnh: AFP

Theo AFP, vụ án về cái chết của thanh niên Traore từ lâu đã gây tranh cãi ở Pháp.

Năm 2016, nam thanh niên Traore, lúc đó 24 tuổi, đã bị bắt trong một ngôi nhà nơi anh ta trốn sau khi bị cảnh sát kiểm ta giấy tờ. Traore thoát ra được và cảnh sát đã truy đuổi trong khoảng 15 phút.

Một trong ba sĩ quan cảnh sát đã ghì chặt Traore bằng thân hình to lớn của mình. Traore bất tỉnh trên xe cảnh sát và đã chết ngay sau đó tại một đồn cảnh sát. Anh vẫn bị còng tay khi nhân viên y tế đến kiểm tra, theo báo cáo của các nhà điều tra.

Ngày 29-5 vừa qua, báo cáo mới nhất của các chuyên gia y tế Pháp kết luận rằng ba sĩ quan cảnh sát không ghì chết Traore. Anh này không chết vì "nghẹt thở" mà là do "phù tim", vốn liên quan đến sức khỏe của anh.

Các phát hiện này được cho là “miễn tội” cho các cảnh sát và cũng bác bỏ các báo cáo của gia đình Traore là chết do “ngạt thở”.

Cảnh sát Paris lên tiếng

Nói về vấn đề này, ông Didier Lallement - cảnh sát trưởng Paris, cũng là người đã cấm cuộc biểu tình đã có một bức thư “biện minh” cho hành động của cấp dưới, theo AFP.

Ông nói rằng ông “cảm thông" với các sĩ quan khi "phải đối mặt với những cáo buộc bạo lực và phân biệt chủng tộc cứ lặp đi lặp lại vô tận bởi các mạng xã hội và các nhóm hoạt động".

Cảnh sát trưởng TP Paris Didier Lallement. Ảnh: AFP

Ông Lallement khẳng định cảnh sát Paris "không bạo lực, cũng không phân biệt chủng tộc”.

“Họ hoạt động trong khuôn khổ quyền tự do cho tất cả mọi người" - ông Lallement nhấn mạnh trong thư gửi tới 27.500 người thi hành luật pháp của Pairs.

Tại một diễn biến khác, AFP cho biết thêm rằng một số sĩ quan Pháp cũng đã bị điều tra về các hành động bạo lực đối với công chúng trong các cuộc biểu tình “áo vàng” chống chính phủ và các cuộc đình công chống cải cách hưu trí gần đây.

Các báo cho hay nhiều người biểu tình đã bị bắn đạn cao su, bị ném trúng lựu đạn gây choáng, hoặc có người bị hư mắt hay mất bàn tay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới