Đòi trưởng phòng CSGT bồi thường 50 triệu đồng

TAND tỉnh Đồng Nai vừa xử sơ thẩm vụ khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định giải quyết khiếu nại. Người khởi kiện là ông HMK (sinh năm 1961, giảng viên thỉnh giảng tại trường đại học), người bị kiện là trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai.
Bị phạt vì chạy quá tốc độ
Theo đơn khởi kiện, ngày 22-11-2019, ông K. điều khiển ô tô lưu thông theo hướng từ TP.HCM về tỉnh Lâm Đồng. Khi đi đến xã Phú Cường (huyện Định Quán, Đồng Nai), ông K. bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe và lập biên bản vi phạm hành chính. Ngày 27-11-2019, trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định xử phạt ghi nhận ông K. phạm lỗi vượt quá tốc độ, phạt tiền 5,5 triệu đồng và tước bằng lái xe hai tháng.
Không đồng ý với việc xử lý vi phạm của CSGT, ông K. đã gửi đơn khiếu nại. Ông cho rằng quyết định xử phạt vi phạm hành chính được lập dựa trên biên bản mà ông không rõ lỗi vi phạm là gì. Biên bản xử lý dựa trên chứng cứ là hình ảnh trên máy iPad khi lập biên bản không thể hiện thông tin tốc độ xe của ông thời điểm đó, không có chứng cứ chứng minh ông vi phạm.
Ngày 10-1-2020, trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định giải quyết khiếu nại cho rằng CSGT lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính và tước bằng lái hai tháng với ông K. là đúng. Tuy nhiên, chỉ có sai sót trong phần ghi tước giấy phép lái xe có thể gây hiểu lầm vì bằng lái của ông K. tích hợp hai hạng A2 và B1. 

Ảnh minh họa

Ông K. cho rằng quyết định giải quyết khiếu nại này là thiếu căn cứ pháp lý. Từ đó, ông K. khởi kiện yêu cầu tòa hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hủy một phần quyết định giải quyết khiếu nại về việc tước giấy phép lái xe của ông. Đồng thời ông K. yêu cầu phía CSGT phải bồi thường cho mình thiệt hại vật chất và tinh thần 50 triệu đồng. 
Phía người bị kiện là trưởng phòng CSGT không đồng ý, cho rằng tổ công tác thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch được lãnh đạo phê duyệt, có sử dụng thiết bị nghiệp vụ máy đo tốc độ ghi hình. Căn cứ vào hình ảnh ghi nhận được, lỗi vi phạm của ông K. là chạy quá tốc độ.
Giấy chứng nhận kiểm định máy đo tốc độ xác định tốc độ xe do ông K. điều khiển là 71 km/giờ trong khi khu vực này chỉ cho phép lưu thông 50 km/giờ. Do vậy, việc xử lý vi phạm chạy quá tốc độ đối với ông K. là đúng. 
Tòa bác yêu cầu khởi kiện
Tại phiên tòa, đại diện VKS cho rằng biên bản vi phạm hành chính xác nhận ông K. đã điều khiển xe với tốc độ 71 km/giờ tại khu vực cho phép lưu thông với mức 50 km/giờ. Ông K. nói mình không vi phạm tốc độ nhưng không chứng minh được. Đồng thời ông K. cũng không có bằng chứng chứng minh thiệt hại xảy ra đối với mình. Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên bác yêu cầu khởi kiện.
HĐXX nhận định hình ảnh qua máy ghi hình tốc độ thể hiện ô tô do ông K. điều khiển chạy quá tốc độ 71/50 km/giờ. Do vậy, việc lập biên bản xử lý vi phạm hành chính là đúng với quy định. 
Hành vi chạy vượt quá tốc độ quy định tại điểm a khoản 7 Điều 5 Nghị định 46/2016 có mức phạt tiền 5-6 triệu đồng. Căn cứ vào điểm a khoản 3 Điều 77 Nghị định 46/2016 thì thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực giao thông là thời điểm quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực. Do đó, việc xử phạt vi phạm của ông K. là đúng pháp luật.
Ông K. yêu cầu bồi thường nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh cho các thiệt hại của mình nên HĐXX tuyên không chấp nhận.

 Phần ghi tước bằng lái gây hiểu lầm

Theo đại diện Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai, hình thức phạt bổ sung đối với người vi phạm tốc độ như ông K. là tước giấy phép lái xe hạng B1. Do giấy phép của ông K. tích hợp hai hạng A2 và B1 nên việc CSGT ghi nhận “tước hai tháng hạng bằng A2 + B1” làm cho người vi phạm hiểu nhầm là tước cả hai bằng lái. Sai sót này là do lỗi phần mềm, đơn vị đã có văn bản nhắc nhở, khắc phục. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...