Cá mập xưa nay nổi tiếng là một loài ăn thịt hung tợn, tuy nhiên một nghiên cứu mới đây chỉ ra một giống cá mập đặc thù có thể linh hoạt thay đổi tập quán ăn uống từ ăn thịt sang ăn thực vật và ngược lại, CBC đưa tin.
Loài cá mập Bonnethead, một loài cá mập khá nhỏ, dài chỉ chừng 0,6-0,9 m, sinh sống đông đúc tại miền duyên hải nước Mỹ lại thích thú với món tảo biển và tiêu hóa nó như một loại thức ăn chủ yếu.
Loài cá mập Bonnethead, sống chủ yếu ở miền duyên hải nước Mỹ. Ảnh: Wiki
Trong hơn một thập niên, các nhà khoa học vẫn biết loài cá mập này ăn rất nhiều cỏ biển, với hơn 62% số thức ăn trong dạ dày của chúng chứa loại thực vật biển. Tuy nhiên, lúc đó giới nghiên cứu cho rằng chúng chỉ ăn nhầm cỏ biển khi đang săn mồi ở những vùng nước cạn.
Để xác định xem cá mập ăn phải rong rêu là vô tình hay cố ý, Samantha Leigh - người đang hoàn tất luận án tiến sĩ tại ĐH California và cộng sự đã nuôi nhốt vài con cá mập. Họ cho chúng một chế độ ăn gồm 90% rong biển, 10% mực ống.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy cá mập hoàn toàn có khả năng tiêu hóa số rong biển ấy, chiết tách dinh dưỡng bên trong để tồn tại. Trong ruột của chúng có chứa enzyme mang tên β-glucosidase, với khả năng phân giải cellulose có trong thực vật một cách cực kỳ hiệu quả.
Phát hiện mới này không chỉ thay đổi nhận thức của con người về chế độ ăn của loài cá mập nói chung, mà còn buộc giới khoa học xem xét lại vai trò của cá mập Bonnethead trong môi trường sống của chúng.
Kết luận nghiên cứu được công bố trong kỷ yếu của Hội hoàng gia B, ĐH California.