Sự phát triển đô thị hóa nhanh chóng đã khiến những TP lớn như TP.HCM và Hà Nội phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó phải kể đến tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ giao thông công cộng. Điều này đã dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng như ùn tắc giao thông, tai nạn và đặc biệt là ô nhiễm môi trường.
Áp lực của sự phát triển
Tại hội thảo Tương lai của vùng đô thị TP.HCM do Trường ĐH Việt Đức tổ chức tuần qua, các chuyên gia trong và ngoài nước đã chỉ ra tình trạng về hệ thống giao thông, ô nhiễm môi trường. Song song đó là giải pháp nhằm cải thiện, đưa TP phát triển mạnh và bền vững hơn nữa.
TS René Burghardt, ĐH Kassel (Đức), chia sẻ: Hầu hết các thách thức môi trường không phải là mới với hệ thống đô thị của TP.HCM. Tuy nhiên, hơn 30 năm qua, những tác động của biến đổi khí hậu đã trở nên rõ ràng hơn. Vào những năm 1990, cùng với quá trình chuyển đổi kinh tế, các khu vực trong và ngoại ô TP.HCM ngày càng đi xa hơn với truyền thống. Hệ thống đường sá dần dần được xây dựng, cải thiện nhằm thích nghi hơn với sự phát triển.
Tuy nhiên, áp lực phát triển vì sự tăng trưởng dân số, kinh tế và mức độ cao hơn của tiêu thụ tài nguyên đã dẫn đến sự gia tăng mạnh về nhu cầu sử dụng đất đai, phát sinh chất thải từ đời sống và giao thông.
Nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến môi trường, tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Theo TS René Burghardt, sự tiến bộ của một thông tin cơ bản thường được chấp nhận để lường trước rủi ro biến đổi khí hậu và những vấn đề liên quan. Đối với các ứng dụng quy hoạch đô thị, chúng rất quan trọng trong việc cung cấp hướng dẫn để đánh giá kết quả phân tích khí hậu. Ngoài ra, việc đánh giá chất lượng không khí không chỉ giúp chúng ta đối phó với sự thay đổi khí hậu mà còn đánh giá quan trắc môi trường không khí địa phương.
Lực lượng công nhân vệ sinh tham gia thu gom rác, làm sạch đường phố. Ảnh: NGỌC CHÂU
Đối mặt với nhiều thách thức
TP.HCM đang phát triển mạnh mẽ, kèm theo đó đối mặt với nhiều thách thức dẫn đến hệ quả là ô nhiễm môi trường. Trong đó vấn đề ý thức người dân vẫn là chuyện đáng phải bàn. Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục đưa ra những chương trình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng nhưng vẫn còn đó những hình ảnh không mấy đẹp mắt. Chỉ cần bước chân ra ngoài, bạn dễ dàng bắt gặp những vỏ sữa, bao nylon, khăn giấy… bị vứt bên lề đường. Người ta thẳng tay xả rác mà chẳng cần biết con đường ấy mới được quét xong… hoặc tự nhiên khạc nhổ chốn công cộng và coi đó là chuyện bình thường.
Nói về chương trình xây dựng TP.HCM trở thành địa phương đi đầu cả nước về đạt chuẩn nông thôn mới, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết có sáu nhiệm vụ chính mà chúng ta phải bắt tay thực hiện ngay. Một là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác vệ sinh môi trường đảm bảo mỹ quan đô thị. Hai là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp đến các tầng lớp nhân dân. Ba là tăng cường tổ chức thu gom chất thải rắn sinh hoạt tốt hơn; duy trì hoạt động tổng vệ sinh định kỳ… Bốn là hướng dẫn các hộ chăn nuôi hợp vệ sinh, đảm bảo chất thải, nước thải được thu gom, xử lý trước khi xả ra môi trường. Năm là tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng các quy định về mai táng và chôn cất; không rải vàng mã đi đưa tang trên phố… Sáu là tiến hành các giải pháp xử lý ngay các vấn đề, khu vực, điểm ô nhiễm môi trường trên địa bàn; tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh…