Sau khi Philippine thông báo sẽ bắt đầu mua các tàu ngầm quân sự, nhiều học giả tính toán rằng Manila nên mua ít nhất 3 tàu để đảm bảo khả năng răn đe hiệu quả trong bối cảnh căng thẳng trên biển giữa Trung Quốc và Philippines gia tăng, theo tờ The South China Morning Post.
Đầu tháng này, Tổng thống Philippines - ông Ferdinand Marcos Jnr đã phê duyệt giai đoạn thứ ba của quá trình hiện đại hóa quân đội nước này, bao gồm việc mua tàu ngầm đầu tiên, để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
Ông Roy Trinidad, người phát ngôn của lực lượng hải quân phía Tây Philippines, không cho biết Manila sẽ mua bao nhiêu tàu ngầm nhưng khẳng định rằng nước này “chắc chắn sẽ mua nhiều hơn một chiếc”.
3 tàu ngầm có đủ tạo ra sức răn đe cho Philippines?
Ông Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute) ở Singapore, cho rằng Philippines sẽ cần mua ít nhất 3 tàu nếu muốn có 1 tàu ngầm luôn hoạt động, sẵn sàng tác chiến, theo South China Morning Post.
Ông Storey nói rằng “số 3 là con số kỳ diệu” và giải thích rằng con số này áp dụng cho tất cả các loại thiết bị quân sự: “1 đang vận hành, một đang huấn luyện và một đang tái trang bị hoặc bảo trì”. Ông lấy Việt Nam là ví dụ khi Việt Nam có 6 tàu ngầm và điều này sẽ đảm bảo có ít nhất 2 chiếc có thể triển khai bất cứ lúc nào.
Cùng ý kiến rằng sở hữu 3 tàu ngầm là lý tưởng, ông Felix Chang, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại có trụ sở tại Mỹ, cho rằng nếu Manila chỉ có 1 chiếc tàu ngầm và vệ tinh Trung Quốc phát hiện ra nó ở cảng, thì hải quân Trung Quốc sẽ biết lúc đó Philippines không có tàu ngầm trên biển.
“Tuy nhiên nếu Philippines có 2 tàu ngầm và vệ tinh Trung Quốc phát hiện một tàu ngầm trong cảng thì hải quân Trung Quốc không biết tàu ngầm thứ hai ở đâu và phải triển khai lực lượng bảo vệ chống lại tàu ngầm đó” - ông Chang phân tích.
Chuyên gia này lưu ý rằng tàu ngầm có tác động lớn ở mặt trận trên biển vì chúng có thể “khiến tàu chiến mặt nước của đối phương gặp rủi ro một cách hiệu quả về mặt chi phí” và có thể làm thay đổi cách thức hoạt động của nhiều tàu chiến mặt nước. Theo ông, tàu ngầm hiệu quả trong việc phong tỏa trên biển hoặc ngăn chặn đối thủ kiểm soát một không gian biển nhất định.
Trong trường hợp của Philippines, nếu một số tàu ngầm “tàng hình” được thì có thể thay đổi cách Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông, chẳng hạn buộc Bắc Kinh triển khai thêm tàu chiến để phòng thủ trước các tàu ngầm đó.
Theo ông Chang, dù không thể ngăn chặn Bắc Kinh thách thức các yêu sách hàng hải của Manila hay ngăn các tàu Trung Quốc đi vào vùng biển của Philippines, nhưng việc Philippines có tàu ngầm sẽ thể hiện rằng lực lượng hải quân nước này có thể chủ động hành động, buộc lực lượng Trung Quốc phải hành động thận trọng hơn.
Tuy nhiên, ông Joshua Bernard Espeña, phó chủ tịch tổ chức nghiên cứu Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế ở Manila (Philippines), cho rằng 2 hoặc 3 tàu ngầm sẽ không đủ để răn đe Trung Quốc vì Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Trung Quốc đã có tới hơn 30 chiếc tàu ngầm diesel-điện ở Biển Đông.
Vì vậy, theo chuyên gia này, Philippines sẽ phải đảm bảo hạm đội nhỏ của mình gia tăng giá trị và có thể “tạo ra hiệu ứng chiến lược” thông qua việc tích hợp các hệ thống quản lý chiến đấu của nước này với việc tác chiến trên mặt nước và trên không.
Con đường sở hữu tàu ngầm còn xa
Trong khi các nước Đông Nam Á ven biển khác như Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Singapore đã sở hữu tàu ngầm thì Philippines chậm trễ trong việc mua tàu ngầm do trước nay nước này chú trọng đầu tư vào bộ binh.
Chuyên gia Storey cho rằng vì Philippines chưa bao giờ vận hành tàu ngầm nên quá trình mua và vận hành chúng sẽ mất ít nhất một thập niên vì cơ sở hạ tầng cần được xây dựng, bao gồm các căn cứ, cầu tàu, ụ tàu và các dịch vụ hỗ trợ khác.
“Sau khi tàu được giao, các thủy thủ tàu ngầm của Hải quân Philippines sẽ phải mất nhiều năm để học tập và huấn luyện để có được kinh nghiệm vận hành cần thiết để sử dụng thành thạo các tàu ngầm này” - ông Storey nhận định.
Ông nói thêm rằng nếu Philippines đặt mua từ 2 đến 3 tàu ngầm, thì ít nhất là phải đến giữa những năm 2030, những tàu này mới có thể hoạt động hiệu quả.
Theo ông Benjamin Blandin, chuyên gia an ninh hàng hải và điều phối viên mạng lưới của tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng Yokosuka về Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương có trụ sở tại Nhật Bản, việc mua tàu ngầm không phải là một quyết định đơn giản vì phải tốn chi phí trực tiếp và gián tiếp, theo South China Morning Post.
Ông Blandin chỉ ra rằng ngoài chi phí của các tàu, Philippines cũng cần kinh phí để bảo trì, hệ thống vũ khí và đạn dược, đồng thời cần đào tạo “để biến các tàu này thành một lực lượng răn đe đáng tin cậy”.
“Các nhà chính trị và quân sự sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn. Hải quân có thể vừa duy trì mục tiêu phát triển hạm đội mặt nước và vừa mua tàu ngầm cũng như tăng gấp đôi quy mô lực lượng bảo vệ bờ biển vào năm 2035 không, thì theo tôi, đó là một câu hỏi lớn cần giải đáp” - ông Blandin.