Tại Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” diễn ra sáng nay (ngày 4-7) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức, Đại diện NHNN, Bộ Công an, Hiệp hội Ngân hàng và đại diện các ngân hàng thương mại đã cùng thông tin, trao đổi, thảo luận về thực trạng cũng như đề xuất các giải pháp trong việc bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng, cụ thể là quy định liên quan đến sinh trắc học thu hút nhiều sự quan tâm gần đây. Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng chủ trì hội thảo.
Đại diện SHB: Quyết định 2345 giúp chặt đứt chuỗi chuyển tiền của tội phạm tài chính
Nhận xét về quyết định số 2345 của NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, ông Lưu Danh Đức - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Công nghệ Thông tin Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) nhận xét: quyết định 2345 rất hiệu quả trong việc ngăn chặn chuỗi chuyển tiền của bọn tội phạm tài chính.
Theo phân tích của ông Đức, các hình thức lừa đảo tài chính trong ngân hàng hiện diễn ra phổ biến theo hướng cài đặt mã độc lên điện thoại của khách hàng, lấy được thông tin, chuyển ứng dụng của khách hàng lên thiết bị của tội phạm. Tội phạm thu thập hình ảnh, video, giọng nói của khách hàng, sử dụng công nghệ để giả lập giọng nói và hình ảnh để vượt qua các rào cản tường lửa của ứng dụng ngân hàng.
Cũng theo chia sẻ của ông Đức, chi phí dành cho hệ thống công nghệ ngăn các vấn đề an ninh mạng tăng liên tục trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tài chính tối đa, ngân hàng cần đến sự hợp tác và cẩn trọng từ phía khách hàng.
Ông Đức cũng nêu hiện tượng khách hàng không đọc và làm theo cảnh báo dù rằng đã đưa OTP vào cuối cảnh báo để khách hàng buộc phải đọc trước khi xem đến OTP. Mỗi ngày trên kênh số của hệ thống SHB có khoảng từ 700 đến 800 nghìn giao dịch, dù tỷ lệ giao dịch tội phạm vô cùng thấp, nhưng việc ngăn các giao dịch này lại ảnh hưởng đến trải nghiệm chung của toàn bộ khách hàng.
Vì vậy ông Đức đề xuất thay đổi phương thức truyền thông, giáo dục an ninh tài chính cho khách hàng, ví dụ như có thể mời các nhân vật có ảnh hưởng đến công chúng để truyền thông về an ninh ngân hàng.
Đại diện Vietcombank: “Từ hôm nay đã có thể ngủ ngon”
Bà Đoàn Hồng Nhung, Giám đốc Khối Bán lẻ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam cho biết ngân hàng đã triển khai rất quyết liệt các công tác chuẩn bị cho việc xác thực sinh trắc học, đồng thời còn triển khai xác thực với Bộ Công an từ tháng 12-2023. Đơn vị này cũng đã triển khai đồng thời việc thu thập sinh trắc học của các ngân hàng cùng với việc ra mắt ứng dụng ngân hàng điện tử mới.
Nhờ vậy, 17 ngày trôi qua, Vietcombank đã thu thập được 1,9 triệu thông tin sinh trắc học của khách hàng.
Rất nhiều người tiêu dùng và chuyên gia ngân hàng băn khoăn về việc bằng cách nào để thu thập thông tin sinh trắc học của nhóm khách hàng nước ngoài. Đại diện Vietcombank cho biết, Vietcombank hiện đang có hơn 60.000 khách hàng nước ngoài. Đơn vị đã tiến hành triển khai thu thập thông tin sinh trắc học tại quầy như các ngân hàng khác, tuy nhiên quan trọng hơn đã triển khai thu thập thông tin sinh trắc của khách hàng tại nơi làm việc, nhận được sự hoan ngênh rất lớn của các hiệp hội, đối tác khách hàng nước ngoài.
"Trong những ngày vừa qua, toàn bộ ban lãnh đạo cùng nhân viên ngân hàng đã cùng trực chiến, làm việc thâu đêm suốt sáng để quá trình triển khai thu thập sinh trắc học và vận hành hệ thống được trơn tru", đại diện Vietcombank cho biết đến hiện tại đã có thể yên tâm và "từ hôm nay đã có thể ngủ ngon”.
Đại diện Techcombank: Phân loại khách hàng thành 50 nhóm để nhận diện rủi ro tốt hơn
Tại sự kiện ngày hôm nay, có nhiều chuyên gia ngành ngân hàng và an ninh ngân hàng cho rằng các ngân hàng nên phân loại khách hàng thành từng nhóm chuyên biệt để có thể giúp cảnh báo sớm về rủi ro cho khách hàng.
Việc này đã được Techcombank làm từ sớm, theo chia sẻ của ông Pranav Seth - Giám đốc Khối Chuyển đổi Ngân hàng số - Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Theo đó, từ tháng 12-2023, Techcombank đã xây dựng đội dự án bao gồm 60 chuyên gia chuyên thử nghiệm các trải nghiệm của khách hàng, quản lý sản phẩm, phát triển công nghệ, gắn kết khách hàng và quản trị rủi ro theo hướng cung cấp dịch vụ vừa đơn giản hóa phù hợp nhưng đảm bảo ngăn ngừa rủi ro cho khách hàng.
Khi triển khai, Techcombank đã sử dụng đến hơn 200 mẫu điện thoại di động khác nhau có vị trí kết nối NFC khác nhau để có thể thông tin đến khách hàng giúp họ xác thực sinh trắc học tốt nhất.
"Chúng tôi chia nhóm khách hàng thành hơn 50 nhóm gồm địa điểm sống, thói quen sử dụng tài khoản, hạn mức chi tiêu phổ biến... nhằm nhận diện rủi ro tốt nhất", Đại diện Techcombank chia sẻ cho đến nay đã thu thập được thông tin sinh trắc học của 2,1 triệu khách hàng.
Toàn ngành ngân hàng “thức khuya, dậy sớm”
Tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết đến 17h ngày hôm qua (ngày 3-7), 16,6 triệu tài khoản khách hàng đã được xác thực sinh trắc học kể từ ngày đầu tháng 7. Lãnh đạo NHNN cho biết, ngành ngân hàng đang rất nỗ lực, thức khuya dậy sớm để triển khai Quyết định 2345.
Lãnh đạo NHNN thông tin thêm, một ngân hàng thực hiện xác thực nhiều nhất là 2,6 triệu khách hàng. Con số này thống kê trong những ngày đầu tháng 7, tăng gấp 10, thậm chí 20 lần so với những ngày thường.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định việc người dân gặp vướng mắc khi xác thực sinh trắc học là có nhưng là số ít và đã được các ngân hàng hỗ trợ tại quầy.
"Khi công suất tăng gấp 10-20 lần thì khó tránh khỏi việc ách tắc cục bộ. Bình quân 1 ngày trên hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng, có khoảng 2 triệu lượt giao dịch trên số tiền 10 triệu đồng trở lên.
Trong những ngày gần đây, chúng tôi đi ngủ lúc 1h sáng, dậy 6h sáng, có những chuyên viên đi ngủ lúc 3h sáng. Tôi khẳng định, đến nay không còn tình trạng ách tắc" - Phó Thống đốc nói.