Dịch COVID-19 bành trướng với tốc độ chóng mặt ở Ý. Tính đến tối 9-3, Ý đã có 463 người chết trong hơn 9.000 người nhiễm - các con số đáng sợ khi dịch mới bùng phát ở nước này chỉ hơn 2 tuần.
Ý hiện là nước có dịch nghiêm trọng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc đại lục. Chính Thủ tướng Ý Giuseppe Conte phải thừa nhận đây là “thời khắc đen tối nhất” của đất nước.
Cả nước là vùng đỏ
Trong nỗ lực ngăn dịch lây lan, ngày 8-3, chính phủ Thủ tướng Conte ra lệnh phong tỏa vùng Lombardy và 14 tỉnh thuộc 4 vùng lân cận (ở Bắc Ý), ảnh hưởng đến 16 triệu dân - khoảng ¼ dân số Ý.
Quảng trường San Marco ở Venice ngày 9-3, ngày đầu tiên bị phong tỏa. Ảnh: AFP
Nhưng biện pháp này vẫn chưa đủ, tử vong và nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng. Từ chỉ phong tỏa các khu vực phía Bắc, đến ngày 9-3 Thủ tướng Conte quyết định mở rộng phong tỏa ra cả nước - một quyết định ảnh hưởng đến 60 triệu dân nước này.
Với sắc lệnh phong tỏa, Ý cấm mọi hoạt động di chuyển trong cả nước trừ khi có các lý do cần thiết liên quan công việc, khẩn cấp hay y tế.
Các trường học, trường đại học (nói chung tất cả các hoạt động giảng dạy) khắp nước Ý phải ngừng lại. Mọi hoạt động tụ tập đều bị cấm. Người với người giao tiếp nhau ngoài đường phải duy trì khoảng cách xa nhau 1 m.
Rạp chiếu phim, nhà hát đóng cửa. Tất cả các sự kiện thể thao bị hoãn tới tháng 4, trừ khi chấp nhận tổ chức không có khán giả. Phòng tập thể hình, hồ bơi phải giám sát khách rửa tay và duy trì khoảng cách 1 m với nhau. Các sự kiện dân sự và tôn giáo, kể cả lễ tang cũng bị cấm tổ chức.
Cảnh sát và binh sĩ kiểm tra hành khách rời khỏi ga tàu lửa ở Milan. Ảnh: AP
Chính phủ Ý cũng hạn chế người thân thăm nuôi tù nhân để giảm nguy cơ lây nhiễm. Quy định này dẫn đến hàng loạt cuộc bạo động, phóng hỏa ở nhiều nhà tù, khiến ít nhất 6 phạm nhân thiệt mạng.
Thấy gì đằng sau lệnh phong tỏa?
Dù có ý kiến hoan nghênh đây là biện pháp chống dịch quyết liệt, nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy chính phủ Ý đang tuyệt vọng trong kiểm soát đà lây lan của dịch.
Có ý kiến cho rằng quyết định của chính phủ Ý nhằm bảo vệ hạ tầng xã hội và kinh tế của miền Nam nước này. Mất kiểm soát dịch có thể dẫn tới sụp đổ hoàn toàn hệ thống y tế ở miền Nam. Hiện chỉ có khoảng 1.500 giường chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân COVID-19 tại 7 vùng ở miền Nam, chưa kể thiếu hụt về nhân sự y tế.
Trung tâm thương mại Vittorio Emanuele II ở Milan, vùng Lombardy vắng vẻ ngày 8-3 sau khi chính phủ ra lệnh phong tỏa chống dịch COVID-19. Ảnh: REUTERS
Chính Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Quốc gia - ông Filippo Anelli cũng phải thừa nhận: “Nếu Lombardy còn phải vật lộn thì tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra ở miền Nam - nơi bất lợi hơn nhiều về thiết bị và nhân sự?”.
Ông Anelli đề cập tới khả năng xây các bệnh viện dã chiến và huy động đến quân đội để chống dịch, đặc biệt ở các vùng như Calabria và Molise cùng ở Tây Nam Ý.
Lệnh phong tỏa Ý - Trung Quốc khác gì nhau?
Theo SCMP, biện pháp phong tỏa mà Thủ tướng Conte tuyên bố có vẻ giống cách thức mà Trung Quốc đã áp dụng với Vũ Hán và các địa phương khác trong nước từ đầu dịch.
Trung Quốc bắt đầu phong tỏa Vũ Hán từ ngày 23-1, đóng cửa mọi cửa ngõ ra vào TP, ngăn mọi chuyến bay đi và đến, giao thông công cộng ngừng hoạt động, việc di chuyển của người dân trong TP bị hạn chế khắt khe. Đã có lúc gần 50 TP và 4 tỉnh ở Trung Quốc thực hiện biện pháp này.
Đường phố Vũ Hán vắng vẻ thời điểm mới bắt đầu bị phong tỏa cuối tháng 1. Ảnh: REUTERS
Một điểm khác chính giữa các biện pháp hai nước là việc người ngoài địa phương và người nước ngoài đến và đi khỏi các vùng có lệnh phong tỏa. Tại Trung Quốc, tất cả người nước ngoài bị cấm rời khỏi Hồ Bắc, trừ những ai có thể bắt được chuyến bay do chính phủ nước họ đưa đến để sơ tán họ về nước. Tại Ý, chính phủ nước này vẫn cho phép người nước ngoài rời khỏi các khu vực bị phong tỏa.
Một điều nữa, các chính sách của ông Conte cũng cho phép lãnh đạo các địa phương quyền rộng hơn để quyết định nên áp dụng biện pháp nào và áp dụng đến đâu, không giống ở Trung Quốc - cả nước phải tuân thủ tuyệt đối từ chính phủ trung ương.
Ngay sau khi thông báo sắc lệnh, Thủ tướng Conte đã nhận nhiều chỉ trích từ một bộ phận chính trị gia. Thống đốc Luca Zaia của vùng Veneto phàn nàn ông không được tham vấn đúng mức trước khi chính phủ quyết định và không hài lòng việc 3 tỉnh trong vùng ông quản lý, bao gồm Venice, nằm trong diện bị phong tỏa.
Cảnh sát trao đổi với người dân tại ga tàu lửa chính ở Milan, vùng Lombardy (Ý) ngày 9-3. Ảnh: REUTERS
Mặt khác, cũng chưa thể rõ liệu người dân Ý chấp nhận đến đâu việc chính phủ hạn chế đi lại của họ, và họ sẽ hợp tác với chính phủ đến đâu. Kênh Channel News Asia dự đoán chính phủ Ý sẽ gặp nhiều thách thức khi thực hiện lệnh phong tỏa. Từ nhiều ngày nay đã có một cuộc di dân thực sự từ miền Bắc sang miền Nam.
“Ý thức công cộng rất ít thấy ở Ý, thậm chí ở Bắc Ý. Người dân không xem trọng việc đó, nói thẳng luôn không có ai mang khẩu trang nơi công cộng, cũng không có nước rửa tay nơi công cộng. Người dân Ý xem trọng tự do cá nhân của họ hơn, ít kỷ luật hơn người Trung Quốc” - SCMP dẫn lời thương nhân người Ý Pietro Borsano đang làm việc tại Thái Lan. Ông Borsano còn người thân ở TP Turin, thủ phủ vùng Piedmont ở miền Bắc Ý.
Chẳng thế mà Tổng thống Sergio Mattarella đã phải lên tiếng yêu cầu người dân tôn trọng quyết định của chính phủ ông Conte.
Hiệu quả tới đâu?
Có thể thấy chính phủ ông Conte đang muốn giữ sự cân bằng giữa một bên là chặn đà lây lan của virus và một bên là tránh phải đi tới các biện pháp quyết liệt như ở Trung Quốc.
Ý yêu cầu dân ở trong nhà đến đầu tháng 4 trong lúc chính phủ cố gắng hạn chế đà lây dịch COVID-19. Ảnh: AFP
Theo nhiều nhà quan sát, biện pháp phong tỏa cho thấy có hiệu quả ở Trung Quốc nhưng với những đất nước như Ý, có cấu trúc chính trị khác Trung Quốc, thì biện pháp này chưa chắc bảo đảm hiệu quả. Nói cách khác, quản lý một cuộc khủng hoảng y tế công cộng ở một đất nước có cấu trúc chính trị như Ý cần phải có sự cân bằng giữa các biện pháp bảo vệ công dân với các ảnh hưởng xã hội và kinh tế của những biện pháp đó.
Và theo các nhà quan sát, sẽ không phải đợi lâu để biết liệu cách làm của Ý có thành công hay không. Và thước đo để biết rõ điều này nhất là việc các nước khác có quyết định xem phản ứng của Ý là một kiểu mẫu để làm theo, hay xem đó là một bài học nên tránh.