Theo kênh Channel News Asia, số ca tử vong vì COVID-19 của Ý tính đến hết ngày 8-3 là 366, tăng 133 người so với ngày trước đó (tương đương 57%). Còn nếu so với số 36 người chết trong ngày 6-3 thì số tử vong mới ngày 8-3 cao hơn đến 350%.
Số ca nhiễm mới của Ý trong ngày 8-3 là 1.492 ca, đưa tổng số ca nhiễm hiện tại của nước này lên con số 7.375.
8-3 là ngày Ý có số người chết và người nhiễm COVID-19 cao nhất kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên ngày 21-2.
Ngày 8-3, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã tuyên bố các biện pháp phong tỏa cách ly phòng bệnh, áp dụng lên khoảng 1/4 dân số nước này. Lệnh phong tỏa áp dụng tới ngày 4-3 tại vùng Lombardy và ít nhất 14 tỉnh lân cận, theo hãng tin AP.
Trung tâm TP Florence, vùng Tuscany vắng tanh vì dịch COVID-19. Ảnh: REUTERS
"Ở Lombardy và các tỉnh khác mà tôi đã liệt kê, cấm tất cả mọi người di chuyển ra vào các vùng này, cũng như bên trong từng vùng" - ông Conte nói. Các trường hợp ngoại lệ phải là người không có các vấn đề về sức khỏe hay nhiễm bệnh và phải chứng minh yêu cầu chuyên môn phù hợp mới được cấp phép, theo ông Conte.
Hàng loạt biện pháp được áp dụng
Tuy nhiên, theo báo South China Morning Post chưa biết lệnh cấm sẽ được áp dụng nghiêm ngặt tới mức nào. Hiện tại Ý vẫn cho phép khách du lịch và những người từ những vùng khác hoặc từ nước ngoài tới các địa phương bị cách ly được trở về nhà.
Mọi bảo tàng, nhà thi đấu, trung tâm văn hóa, khu trượt tuyết và bể bơi sẽ bị đóng cửa. Ngay cả chương trình triển lãm ở Rome đánh dấu 500 năm ngày mất của họa sĩ - kiến trúc sư Raphael - một trong ba bậc thầy vĩ đại của thời kỳ Phục hưng - cũng buộc phải kết thúc sớm sau khi mở cửa đón khách chỉ ba ngày.
Các sân bay ở Milan và Venice không bị đóng cửa. Hãng hàng không hàng đầu châu Âu Alitalia hoãn tất cả đường bay ở sân bay Milan Malpensa, chỉ duy trì các đường bay nội địa từ sân bay Milan Linate và giảm số chuyến giữa Rome và Venice, theo hãng tin Reuters.
Chính quyền Rome cũng ban hành lệnh cấm thăm nuôi các phạm nhân đang bị giam giữ để tránh nguy cơ lây lan dịch trong nhà tù. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các phạm nhân tại ít nhất bốn nhà tù trên cả nước.
Chương trình triển lãm ở Rome đánh dấu 500 năm ngày mất của họa sĩ - kiến trúc sư Raphael. Ảnh: AFP
Các trận đấu bóng đá sẽ diễn ra trên sân không có khán giả. Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Ý Damiano Tommasi viết trên Twitter rằng "dừng các trận bóng đá là việc có ích nhất cho đất nước ngay lúc này" vì đội cổ động cần đến các bệnh viện để động viên tinh thần người bệnh.
Hỗn loạn và các ý kiến bất đồng
Hỗn loạn đã xảy ra tại TP Padua, vùng Veneto khi lệnh phong tỏa còn chưa được ban bố chính thức. Các nhà hàng và kệ hàng trống trơn trong khi người dân đổ xô đến ga xe lửa. Khách du lịch trang bị đầy đủ khẩu trang, bao tay và gel sát khuẩn muốn tìm cách lên tàu nhanh nhất có thể.
Còn ở vùng Emilia Romagna, người đứng đầu chính quyền vùng - ông Stefano Bonaccini cho rằng các lệnh phong tỏa của chính quyền trung ương còn chưa rõ ràng và Thủ tướng Conte cần thêm thời gian để tìm ra giải pháp "nhất quán" hơn.
Ông Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Liên minh phương Bắc (Lega) đối lập, yêu cầu chính quyền Thủ tướng Conte phải làm rõ: "Ai có thể làm cái gì? Họ có thể đi đâu? Ai có thể làm việc? Ai có thể đi du lịch? Và vấn đề biên giới với các quốc gia thì sao?". Ông Salvini cho rằng việc này là cần thiết để trấn an hàng triệu người dân Ý đang lo lắng, theo South China Morning Post.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ca ngợi "những bước đi táo bạo và dũng cảm" của Ý nhằm làm chậm sự lây lan dịch COVID-19, theo báo Telegraph.
Ý đang là tâm dịch lớn nhất tại châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Từ đây, dịch đã lây lan ra ít nhất 20 nước ở khu vực bắc Địa Trung Hải.