Phó Thủ tướng: Mọi khó khăn trong định giá đất đã được giải quyết bằng Luật Đất đai 2024

(PLO)- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định tất cả các nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém về lĩnh vực đất đai đã được giải quyết cơ bản trong Luật Đất đai 2024.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có giải trình trước Quốc hội về các ý kiến của đại biểu liên quan vấn đề kinh tế - xã hội, chiều 29-5.

14 Nghị định và khoảng 10 thông tư liên quan Luật Đất đai

Ông cho rằng những ý kiến của đại biểu trong phiên thảo luận về những hạn chế, tồn tại, yếu kém, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính, lãng phí nguồn lực, không tiết kiệm đều liên quan đến ba luật là Đất đai, Kinh doanh bất động sản và Nhà ở. Đây đều là những luật đã được Quốc hội thông qua.

“Hiện, Chính phủ đặt quyết tâm rất cao. Chúng tôi dự kiến ngày 1-7 tới đây, nếu ba luật này đi vào cuộc sống thì tất cả những vấn đề mà đại biểu băn khoăn sẽ được giải quyết” – Phó thủ tướng khẳng định và nói tất cả các nguyên nhân hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực đất đai đã được Quốc hội giải quyết cơ bản trong luật, chỉ có một phần giao Chính phủ làm rõ thêm.

Phó Thủ tướng: Mọi khó khăn trong định giá đất đã được giải quyết bằng Luật Đất đai 2024
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có giải trình trước Quốc hội chiều 29-5. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ông cho hay thời gian qua, Thủ tướng đã chỉ đạo cá nhân ông dành thời gian ngồi làm việc với tất cả địa phương, hiệp hội và từng doanh nghiệp để xem các dự thảo nghị định, thông tư đã đi vào cuộc sống chưa, đã phản ánh đầy đủ và triển khai được cụ thể luật hay chưa.

“Chúng tôi nghĩ rằng nếu được Quốc hội cho phép thì kể cả ngày 1-7 tới đây mà cả ba luật có hiệu lực thì Chính phủ cũng quyết tâm sẽ làm đầy đủ 14 Nghị định và khoảng trên 10 thông tư. Các địa phương và các bộ, ngành cũng sẽ cùng nhau tham gia, phối hợp xây dựng chính sách để đảm bảo sự liên thông trong chính sách, pháp luật” – ông Hà khẳng định.

Với những khó khăn, bất cập về định giá đất và là nguyên nhân liên quan đến thất thoát, khó khăn hay đùn đẩy, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh "đã được giải quyết khi có Luật Đất đai 2024".

“Tôi tin rằng các địa phương sẽ tin tưởng và với quy trình rõ ràng, cụ thể, minh bạch, việc định giá đất có thể triển khai được” – Phó Thủ tướng chia sẻ và cho hay Chính phủ đã lấy ý kiến của địa phương, trong đó làm rõ trách nhiệm của cơ quan tư vấn, của hội đồng, của người quyết định giá đất

Mọi quy trình đều triển khai minh bạch. Đặc biệt trong luật đã giải quyết một vấn đề hết sức khó khăn là làm sao có được giá đất phù hợp, sát giá thị trường. Hiện nay, chúng ta áp dụng nguyên tắc thị trường, tức là áp dụng bốn phương pháp gồm gồm so sánh, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh..

Mặt khác, Phó Thủ tướng cho rằng khi có dữ liệu về đất đai thì phương pháp định giá đất hàng loạt theo vùng giá trị theo từng thửa đất, từng thời điểm sẽ được áp dụng tốt.

pho-thu-tuong-moi-kho-khan-trong-dinh-gia-dat-da-duoc-giai-quyet-bang-luat-dat-dai-2024-3.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận chiều 29-5. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ba giải pháp giải quyết khó khăn về thiếu cát

Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận là việc thiếu cát, vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án lớn.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đây là vấn đề có lẽ không phải lớn với Việt Nam, tuy nhiên nó diễn ra trong bối cảnh các dự án cao tốc đang được đồng loạt đẩy mạnh cả về tốc độ, tiến độ và quy mô nên các địa phương không đáp ứng được.

Ông khẳng định nếu quyết liệt thực hiện theo các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ thì sẽ không có khó khăn

“Thủ tướng đã hai lần trực tiếp chỉ đạo, cá nhân tôi cũng đã có ba cuộc họp, thậm chí đã đến khảo sát tận nơi” – ông Hà nói và chia sẻ hiện các vấn đề đã được giải quyết theo ba giải pháp.

Thứ nhất, tuyệt đối áp dụng các quy chế đặc thù Quốc hội và Chính phủ đã ban hành. Thứ hai, nắm thật sát nhu cầu theo tiến độ và công suất. Thứ ba là mở rộng thêm các nguồn cung cát.

Về thích ứng biến đổi, hiện nay Thủ tướng đã có chỉ đạo thực hiện một cách bài bản. Riêng ĐBSCL có thể nói là một điển hình, chúng ta đã có đánh giá tổng thể tác động từ thượng nguồn, đánh giá tác động biến đổi khí hậu… và xác định trung tâm của ảnh hưởng là tài nguyên nước.

Quy hoạch phát triển bền vững ĐBSCL, Nghị quyết 120 của Chính phủ liên quan kế hoạch hành động để thích ứng của ĐBSCL, kế hoạch thực hiện quy hoạch tổng thể về phát triển bền vững ĐBSCL với khoảng 60 dự án... đã được ban hành.

Trong đó, Thủ tướng mới đây đã ký một Nghị quyết huy động 2,5 tỉ USD để tập trung thích ứng trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, chuyển đổi nền kinh tế theo ba hướng là nước ngọt trung tâm, nước ngọt lợ và vùng ven biển đối với 16 dự án.

Nếu chúng ta làm được điều này thì hạ tầng liên quan để cấp nước sẽ tập trung giải quyết lũ lụt ở thượng nguồn, cung cấp nước cho trung tâm ĐBSCL và vùng ven biển.

Phó Thủ tướng TRẦN HỒNG HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm