Trước đó, Nam Định từng bị thua oan trận “chung kết ngược” trước Hải Phòng khi bị “dìm” ngay trên sân nhà Thiên Trường, còn trên sân Bình Dương, trận B. Bình Dương - Hà Nội thì có quá nhiều sạn từ trọng tài…
Mùa giải 2020 Ban trọng tài trẻ hóa đội ngũ cầm cân và lực lượng này đang chịu áp lực lớn bởi nhiều gương mặt được ủng hộ từ cấp trên nhưng “chưa đủ tuổi”. Có những cái sai về nhận định và nhiều cái sai về phương pháp nhưng cơ bản nhất là lực lượng trọng tài trẻ chưa được trang bị đầy đủ để bước ra một đấu trường khắc nghiệt như V-League.
Rõ ràng với nền tảng bóng đá chuyên nghiệp, khi các đội nâng cấp về chuyên môn thì đội ngũ trọng tài vẫn dậm chân tại chỗ nếu không muốn nói là đi giật lùi.
Chỉ trích trực tiếp các trọng tài chỉ là bề nổi bởi vấn đề chính là công tác đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho trọng tài chuyên nghiệp không thể áp dụng theo kiểu cứ bắt từ dưới lên mà phải có sự đầu tư, có lộ trình đào tạo…
Không khó để nhận ra tiếng nói của Ban trọng tài rất yếu trong bộ máy vận hành của VFF. Thậm chí là với VPF, bộ phận trọng tài còn mang thân phận “làm thuê” theo kiểu có mời thì mới được làm.
Tại vòng 8, khi chủ tịch CLB SL Nghệ An lên tiếng mạnh mẽ trên báo chí thì đó được xem là vấn đề lớn đối với trọng tài. Nguyên do ông Thanh còn có chân ủy viên VPF lại có em ruột làm trợ lý chủ tịch kiêm tổng giám đốc VPF.
Xử một, hai trọng tài không hoàn thành nhiệm vụ thì dễ nhưng vấn đề chính là làm sao để cứu công tác đào tạo và phát triển trọng tài mà bóng đá Việt Nam đang hụt hẫng lớn sau khi cải tổ Ban trọng tài.