Hàn Quốc cho biết một số quan chức CHDCND Triều Tiên đã trở lại văn phòng liên lạc liên Triều hôm 25-3, ba ngày sau khi Triều Tiên đột ngột rút toàn bộ nhân viên với lý do nhận được chỉ thị từ “cấp có thẩm quyền tối cao".
Theo hãng tin AP, hiện chưa rõ tại sao Triều Tiên chỉ cử một số nhân viên trở lại văn phòng hay liệu miền Bắc sẽ khôi phục toàn bộ nhân viên tại đó hay không.
Quyết định của Triều Tiên rút nhân viên hôm 22-3 được đưa ra một tuần sau khi Thứ trưởng Ngoại giao nước này, bà Choe Son-hui dọa sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ sau khi hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump kết thúc tháng trước mà không đạt được thỏa thuận nào.
Trong một tuyên bố, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết 4-5 quan chức Triều Tiên đã đến làm việc hôm 25-3 tại văn phòng liên lạc, được đặt tại khu công nghiệp chung Kaesong trên phần đất Triều Tiên, cách khu phi quân sự liên Triều 10km, và nói với các quan chức Hàn Quốc rằng họ đến làm việc “như bình thường”.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết Triều Tiên vẫn không đưa ra lời giải thích rõ ràng về lý do tại sao họ rút nhân viên khỏi văn phòng.
Văn phòng liên lạc liên Triều tại Kaesong. Ảnh: THE JAPAN TIMES
Bình Nhưỡng đã cử khoảng 10 nhân viên đến văn phòng mỗi ngày kể từ khi văn phòng này mở cửa vào tháng 9-2018 như một trong những bước đi hòa giải giữa hai miền được nhà lãnh đạo Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhất trí.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc trước đó không cho biết chính xác 64 quan chức của họ sẽ làm gì tại văn phòng mà không có các đối tác Triều Tiên, nhưng một phát ngôn viên cho biết Seoul đang tìm cách cố gắng “bình thường hóa” các hoạt động tại văn phòng.
Trong những tháng qua, hai miền Triều Tiên đã tháo dỡ một số chốt gác, tạm dừng các cuộc tập trận qua biên giới và cam kết sẽ tiếp tục các dự án kinh tế liên Triều khi có thể, bày tỏ sự lạc quan rằng những biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng có thể chấm dứt và tạo điều kiện cho việc xúc tiến các dự án như thế.
Trong khi ông Moon nói rằng sự hòa giải giữa Triều Tiên là rất quan trọng để đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán hạt nhân. Việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều không đạt được thỏa thuận đã khiến việc tăng cường tiếp cận Triều Tiên trở nên khó khăn.
Washington và Bình Nhưỡng bất đồng về trình tự giải trừ hạt nhân của Triều Tiên và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt do Mỹ chủ xướng chống Triều Tiên, và đã đổ lỗi cho nhau về thất bại của hội nghị thượng đỉnh song phương lần hai tại Việt Nam.
Truyền thông Triều Tiên gần đây đã yêu cầu Hàn Quốc giữ khoảng cách với Mỹ và tiếp tục các dự án kinh tế chung đã bị đình trệ do các biện pháp trừng phạt.