Hãng tin AFP ngày 2-4 đưa tin hải quân Mỹ đã phát lệnh sơ tán hàng ngàn thủy thủ khỏi tàu sân bay năng lượng hạt nhân USS Theodore Roosevelt neo ở đảo Guam, sau khi hạm trưởng của tàu này cảnh báo đại dịch COVID-19 đang đe dọa tính mạng của thủy thủ đoàn. Đến nay đã có hơn 90 trường hợp nhiễm COVID-19 được phát hiện trong tổng số 4.685 nhân sự thuộc tàu USS Theodore Roosevelt.
Đáng chú ý, tàu sân bay nói trên không phải là con tàu duy nhất thuộc biên chế hải quân Mỹ bùng phát dịch. Trước đó, một quan chức Lầu Năm Góc tiết lộ đã có người nhiễm trên tàu đổ bộ LHD-4 Boxer với thủy thủ đoàn gần 1.200 người nhưng không nói rõ con số bệnh nhân cụ thể.
Tranh cãi nơi cách ly cho thủy thủ
Trong một bức thư dài gần bốn trang gửi cho giới chức Lầu Năm Góc ngày 1-4 (giờ Việt Nam), chỉ huy tàu sân bay USS Theodore Roosevelt - ông Brett Crozier đã khẩn cấp yêu cầu giới chức hải quân Mỹ cần phải thực thi các biện pháp mạnh hơn nữa để giữ tính mạng các thủy thủ của ông cũng như ngăn ngừa COVID-19 lan rộng khắp các tàu còn lại, tờ The Washington Post cho hay.
Theo đó, ông Crozier than phiền rằng trên tàu sân bay này không đủ chỗ để cách ly tất cả thủy thủ nhiễm COVID-19 và đối sách hiện nay chỉ có thể cầm chừng tạm thời chứ không thể triệt tiêu hoàn toàn sự lây lan của loại virus chết người này.
Ông Brett Crozier kêu gọi giới chức hải quân Mỹ cần “hành động kiên quyết hơn” và đưa toàn bộ thủy thủ đoàn lên bờ điều trị. “Chúng ta hiện không sống trong thời chiến. Các thủy thủ không đáng phải chết. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, chúng ta sẽ không đảm bảo được sức khỏe cho tài sản quý giá nhất của chúng ta là các thủy thủ” - thư thỉnh cầu nêu rõ.
Dù vậy, liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhấn mạnh giờ chưa phải là thời điểm thích hợp để sơ tán cùng lúc toàn bộ người trên USS Theodore Roosevelt lên bờ, mà chỉ có thể đưa lần lượt từng tốp trăm người đã xét nghiệm âm tính.
Sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, USS Theodore Roosevelt đã cập cảng Guam và neo đậu từ ngày 27-3 đến nay. Ảnh minh họa: AFP
Đồng quan điểm, nhiều lãnh đạo Mỹ cũng bày tỏ lo ngại hệ thống y tế Guam sẽ quá tải nếu phải tiếp nhận đồng loạt hàng ngàn người như vậy. Trong số này, thượng nghị sĩ Sabina Flores Perez đã thúc giục Thống đốc đảo Guam - bà Lou Leon Guerrero Guerrero nhanh chóng xem xét lại “yêu cầu nguy hiểm” của ông Brett Crozier, cho rằng việc cho phép hải quân Mỹ cách ly thủy thủ trên đảo là liều lĩnh và đe dọa sức khỏe của người dân trên đảo.
Bà Perez khẳng định không phản đối việc đưa thủy thủ tàu USS Theodore Roosevelt lên đảo nhưng không muốn các thủy thủ được cách ly bên ngoài căn cứ quân sự Mỹ. “Các cơ sở y tế của Mỹ đang căng mình vì đại dịch và chúng ta thậm chí còn chưa tới đỉnh dịch của đợt bùng phát. Cách ly thêm người chỉ khiến Guam khó khăn hơn” - thượng nghị sĩ Sabina Flores Perez nhấn mạnh.
97 căn cứ quân sự trên 37 tiểu bang Mỹ đã ghi nhận có ca nhiễm COVID-19, tờ Newsweek ngày 1-4 cho hay. Hiện quân đội nước này đã tạm hoãn toàn bộ chiến dịch quân sự trên toàn cầu để bảo vệ sức khỏe binh sĩ. |
Hải quân Mỹ không dừng hoạt động vì COVID-19
Theo đài CNBC, bên cạnh lo ngại sẽ gây quá tải cho các cơ sở y tế trên bờ, giới chức quân sự Mỹ nhiều khả năng vẫn muốn giữ một lực lượng nòng cốt trên các tàu sân bay chủ chốt như USS Theodore Roosevelt để giữ cho toàn lực lượng không bị đình trệ vì đại dịch và sẵn sàng tác chiến trong trường hợp khẩn cấp.
“Việc cách ly từng phần các thủy thủ nhiễm COVID-19 là ví dụ về khả năng giữ cho tàu của chúng tôi được triển khai trên biển, ngay cả khi có trường hợp bùng phát dịch. Các tàu chiến của chúng tôi vẫn đi biển, máy bay vẫn bay và việc huấn luyện đang diễn ra để bảo vệ lợi ích quốc gia Mỹ và đồng minh, đối tác của chúng tôi trên khắp thế giới” - Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly khẳng định.
Đại diện Hạm đội 7 cũng thông báo sẽ triển khai Đơn vị y tế dự phòng và Trung tâm nghiên cứu y tế hải quân để bắt tay sàng lọc và xét nghiệm thủy thủ đoàn của tất cả tàu đang hoạt động ở Thái Bình Dương. Dù vậy, số ca nhiễm COVID-19 trong nội bộ lực lượng quân sự Mỹ vẫn tiếp tục tăng trong khi một phần không nhỏ nhân lực và vật lực của quân đội, như các tàu y tế, đã được điều động để hỗ trợ chính quyền các bang bị dịch ảnh hưởng nặng nề.
“Bộ Quốc phòng Mỹ đang đối mặt với một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất trong thời đại của chúng ta. Tôi muốn đảm bảo rằng quân đội sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân và giành chiến thắng trong cuộc chiến này” - Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper tuyên bố hôm 28-3.
Ông Trump: Tôi chỉ muốn trấn an người dân Phát biểu trong họp báo ngày 2-4 ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump thừa nhận đã biết trước dịch COVID-19 có thể diễn biến xấu nhưng ông không muốn tuyên bố điều đó với người dân, theo đài CNN. “Tôi biết mọi thứ. Tôi biết dịch có thể trở nên tồi tệ nhưng tôi không muốn trở thành một người tiêu cực. Thật dễ dàng để trở nên tiêu cực nhưng tôi muốn mang tới niềm hy vọng cho mọi người. Tôi có nhiệm vụ phải cổ vũ cho đất nước và chúng ta đang trải qua thời điểm tồi tệ nhất trong lịch sử” - ông Trump bày tỏ. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định mục tiêu hiện tại là giữ số người tử vong vì COVID-19 ở mức thấp nhất có thể, đồng thời kỳ vọng người dân hãy kiên định và chấp hành các quy định của cơ quan chức năng trong thời gian khó khăn sắp tới. |