Tại hội thảo, nhiều đại biểu nhận định chưa có dự thảo nghị định về giao thông nào phải trải qua bốn lần trình Chính phủ; hàng chục hội thảo, tọa đàm nhưng đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Với dự thảo mới nhất lần này, tiếp tục có kiến nghị Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT soạn thảo lại.
Về quản lý xe dưới chín chỗ, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, thừa nhận không phản đối việc đưa tiến bộ khoa học vào hoạt động vận tải, cũng không chống đối loại hình Grab. vấn đề đặt ra là Nhà nước cần tạo sự công bằng, minh bạch, văn minh theo quy định của pháp luật.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến kiến nghị Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT soạn thảo lại dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014. Ảnh: V.LONG
Theo ông Hỷ, nếu nghị định này ra đời thì tình hình vận tải hành khách bằng xe dưới chín chỗ có thể sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, không thể quản lý nổi, gây hậu quả lớn về thất thu thuế, về bảo đảm an toàn và quyền lợi hợp pháp của hành khách. “Thậm chí nước ta sẽ không còn taxi nữa vì tan rã, phá sản hoặc vì các đơn vị taxi sẽ ứng dụng phần mềm công nghệ như Grab và họ sẽ chuyển sang đăng ký hoạt động xe hợp đồng điện tử để dễ dàng lách luật” - ông Hỷ nhấn mạnh.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng taxi truyền thống nên đòi cạnh tranh công bằng chứ không phải là đòi “siết” loại hình mới lại… Quyết định thành bại của việc kinh doanh là khách hàng. Nếu dịch vụ tốt, an toàn và rẻ hơn thì người dân sẽ lựa chọn.
LS Trần Vũ Hải cho rằng các hãng thay vì “tấn công” loại hình Grab thì nên kiến nghị giảm các điều kiện kinh doanh để tạo lợi thế.
Tại hội thảo, đại diện Bộ GTVT ghi nhận những đóng góp của các đại biểu. Tuy nhiên, giải pháp thực sự để quản loại hình Grab, cắt giảm điều kiện kinh doanh cho taxi truyền thống để có sự công bằng vẫn rất mù mờ.