Quản lý xe ôm: nên không?

Quản lý xe ôm: nên không? ảnh 1

Trong khi có những ý kiến ngược lại thì đội trưởng đội xe ôm tự quản ga Sài Gòn cho rằng có đồng phục, có bảng tên sẽ giúp người hành nghề xe ôm ý thức về giữ gìn uy tín của đội xe để phục vụ khách tốt hơn - Ảnh: Hoài Linh

UBND TP.HCM vừa có công văn yêu cầu Sở Giao thông vận tải lấy ý kiến của Ủy ban MTTQ VN TP.HCM cho dự thảo về quản lý và hướng dẫn sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe thô sơ 2-3 bánh và các loại phương tiện tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn TP.

Theo dự thảo trên, những người sử dụng xe gắn máy, môtô dùng làm phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa (sau đây gọi là xe ôm) phải hoạt động có tổ chức, có đặc trưng riêng để dễ kiểm soát.

Quản lý xe ôm: nên không? ảnh 2

Các thành viên trong đội xe gắn máy tự quản P.10, Q.10 (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM). Đội thành lập được 14 năm, có 52 thành viên, có tổ chức công đoàn, có quỹ để hỗ trợ nhau khi ốm đau, hoạn nạn, trong công việc luôn tuân thủ “5 không”: không ma túy, rượu, cờ bạc, chen lấn, đánh nhau - Ảnh: ĐỨC THẢO

Phải đeo logo và có nghiệp đoàn

Theo dự thảo do Sở Giao thông vận tải trình UBND TP thì người hành nghề xe ôm phải mặc trang phục có logo đã đăng ký với UBND cấp quận, huyện. Các bác tài được cấp biển hiệu hoạt động phải hoạt động trong tổ đội, nghiệp đoàn và đăng ký với UBND quận huyện. Dự thảo cũng quy định các đơn vị quản lý xe ôm (tổ, nghiệp đoàn...) phải đăng ký với UBND cấp quận huyện nơi hoạt động.

Ông Nguyễn Bá Thọ, đội trưởng đội xe ôm tự quản ga Sài Gòn, cho rằng đồng phục, có bảng tên, biển hiệu ở bên tay áo của người lái xe ôm có ý nghĩa như một lời nhắc nhở họ phải giữ uy tín của đội xe để phục vụ khách tốt hơn. Để vào đội xe ôm tự quản ga Sài Gòn, các lái xe phải đăng ký, nếu được công an địa phương và lãnh đạo ga Sài Gòn đồng ý thì các đội mới tiếp nhận. Nếu trong quá trình chuyên chở, hành khách phản ảnh đến lãnh đạo ga tài xế nào “chặt chém” thì tài xế đó có thể bị cảnh cáo, tạm đình chỉ tài hoặc không cho hoạt động trong đội.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định khi đưa xe ôm vào hoạt động phải tuân thủ những quy định chung như phải có hệ thống hãm, bảo đảm an toàn, có chứng nhận bảo hiểm xe. Người điều khiển phải có đủ sức khỏe, có giấy phép lái xe (đối với loại xe buộc phải có), hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ... Những người điều khiển loại xe ôm này phải dừng, đỗ, đón trả khách, hàng hóa bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Xe phải đi đúng làn đường, phần đường quy định...

UBND các quận huyện sẽ cấp biển hiệu hoạt động theo mẫu cho những người hoạt động xe ôm trên địa bàn mình quản lý. Hồ sơ đề nghị cấp biển hiệu gồm đơn xin cấp biển hiệu, bản chụp các loại giấy tờ: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc KT3, giấy đăng ký xe hoặc hợp đồng thuê xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Biển hiệu có hiệu lực trong vòng năm năm kể từ ngày cấp và có thể xin cấp lại khi hết hạn. Thời gian cấp biển hiệu là năm ngày, với lệ phí 3.000 đồng/biển hiệu. Nếu UBND quận huyện từ chối cấp biển hiệu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối.

Vấn đề quản lý xe ôm tại TP.HCM cũng đã được đề cập cách đây vài năm. Thời điểm đó việc quản lý xe ôm chưa được dư luận đồng tình nên UBND TP chưa ban hành quy định. Với tình hình hiện nay, vấn đề quản lý đội ngũ xe ôm này liệu đã được dư luận đồng tình?

Theo phó giám đốc Sở Tư pháp Ung Thị Xuân Hương, dự thảo cần phải quy định rõ ai quy định mẫu mã trang phục, có cần phải thống nhất trang phục trên toàn địa bàn TP hay mỗi đội được chọn màu sắc, mẫu mã riêng cho áo quần của đội mình. Bà Hương cũng đặt vấn đề: buộc các bác tài xe ôm phải hoạt động trong đội, tổ, nghiệp đoàn liệu có khả thi vì đây là nghề lao động phổ thông, có thu nhập thấp, kinh doanh lưu động...

Hơn nữa, không có quy định nào buộc tài xế xe ôm phải hoạt động trong các đơn vị quản lý như trên. Ngoài ra, văn bản thẩm định của Sở Tư pháp cũng cho rằng: quy định người hành nghề xe ôm phải có biển hiệu, logo, đồng phục, hoạt động trong các nghiệp đoàn là những nội dung hoàn toàn mới. Vì vậy cần phải có lộ trình để thực hiện.

“Không nên quản xe ôm”

Nhiều ý kiến của người trong cuộc cho rằng: “Cái áo không làm nên thầy tu”, có buộc các bác tài mặc đồng phục, đeo biển hiệu mà bản thân họ không chí thú làm ăn đàng hoàng thì khách cũng không tin tưởng. Ông Lê Văn Luôn, hành nghề xe ôm tự do trên đường Kỳ Đồng (quận 3), cho biết khi ông đến một địa điểm nào đó để đón khách thường xuyên thì công an phường đã quản lý và cấp thẻ.

Tài xế xe ôm khi ra đường nếu vi phạm luật, không có bằng lái, không giấy tờ xe hoặc xe không đảm bảo kỹ thuật thì đã bị cảnh sát giao thông xử phạt. Như vậy, không nhất thiết phải kê khai lại và mặc đồng phục cho phiền hà rắc rối. Hành khách tin tưởng hay không là do bản thân người lái xe ôm thể hiện qua từng lần đưa đón khách.

Đồng tình với ý kiến trên, một tài xế xe ôm tại khu vực ngã tư Huỳnh Văn Bánh - Nguyễn Văn Trỗi cho rằng không nhất thiết phải tổ chức quản lý hay mặc đồng phục vì bản thân công an địa phương đã quản lý được nghề nghiệp của tài xế xe ôm trên địa bàn phường.

Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM Lê Hiếu Đằng cho rằng chạy xe ôm là công việc tự do, tài xế có thể làm có thể ngưng vô chừng, có người sáng đi làm trong xí nghiệp tối về chạy vài cuốc xe để phụ thêm tiền rau cá hằng ngày. Nếu quản lý một cách chặt chẽ sẽ gây khó khăn cho người dân. Chưa kể đến việc hiện nay các thủ tục hành chính còn nhiều phiền toái thì việc yêu cầu kê khai, đăng ký... sẽ tiếp tục gây khó khăn thêm cho người dân. UBND và công an các phường, xã đang quản lý lực lượng này khá ổn định nên không cần phải thêm các thủ tục.

“Tôi nghĩ cần phải lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân lao động về việc này, nhất là các tài xế xe ôm vì nó liên quan trực tiếp đến đời sống của họ. Thậm chí phải có ý kiến của Liên đoàn Lao động TP để vấn đề được thẩm định sâu sắc hơn” - ông Đằng nhấn mạnh.

Theo K.YÊN - N.HẬU (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm