Liên danh tư vấn gồm Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, Viện Quy hoạch miền Nam, Công ty TNHH Không Gian Xanh và Công ty EnCity vừa có báo cáo giữa kỳ về việc điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 gửi UBND TP.HCM. Đáng chú ý tại báo cáo này, liên danh tư vấn đề xuất định hướng phát triển trong tương lai TP.HCM phát triển đô thị sân bay quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với hai vùng chính.
Đô thị sân bay với hai vùng chính
Cụ thể, vùng thứ nhất là tiểu vùng Phú Nhuận và Tân Bình nằm ở phía nam sân bay. Định hướng chiến lược đối với vùng này là tăng cường phát huy vai trò của đô thị sân bay, bao gồm các dịch vụ phục vụ hàng không, du khách, doanh nghiệp, văn phòng. Đồng thời, vùng này cũng phát huy vai trò của đầu mối ngành dệt may, dần trở thành một trung tâm dịch vụ về may mặc, tạo một đẳng cấp quốc gia và khu vực, tận dụng nguồn nhân lực phân tán của lĩnh vực dệt may.
Theo liên danh tư vấn, về không gian, khu này cơ bản đã chia nhỏ, mật độ cao nên không còn nhiều khả năng can thiệp. Điểm mấu chốt là phải tái cấu trúc một số nút quan trọng gắn với sân bay và chợ Tân Bình. Điều này sẽ tạo thêm không gian thương mại dịch vụ mới, hiện đại, quy mô, có tính chất là những tổ hợp đa năng cao tầng. Trong đó, chức năng ở là thứ yếu, chủ yếu chỉ đảm bảo tái định cư tại chỗ.
Khu vực này cũng sẽ cải thiện nâng cấp không gian một số nơi để mang đậm bản sắc hơn, nhất là những khu vực hẻm ở quận Phú Nhuận. Khi đó, du khách và người dân có thể tiếp cận sâu vào cấu trúc không gian đô thị để phát huy yếu tố du lịch, dịch vụ may mặc tốt hơn.
Vùng thứ hai là phía đông, bắc quận Gò Vấp sẽ là đô thị phía bắc sân bay. Định hướng chung của vùng này là một khu đô thị tương đối độc lập hơn với nhiều cơ hội công ăn việc làm tại chỗ cho người dân. Đồng thời tăng cường kết nối giữa khu vực này với TP Thủ Đức. Giải pháp quan trọng nhất để phát triển vùng này là cần một tuyến hạ tầng xương sống dọc sông Vàm Thuật, kết hợp với nửa bên kia sông Vàm Thuật thuộc quận 12 để tạo ra một dải trung tâm đô thị ven sông, kết nối nhanh ra dải hành lang phát triển ven sông Sài Gòn.
Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc những khu vực đất công dọc sông Vàm Thuật, đặc biệt là khu vực Công viên Gò Vấp sẽ tạo ra những trung tâm đô thị đa năng mật độ cao, đồng thời tăng cường kết nối qua sông Vàm Thuật. “Nếu mở được thêm ga hàng không về phía bắc thì khu này có thể trở thành một đô thị sân bay mới với những tiềm năng về du lịch, dịch vụ, logistics sân bay” - liên danh tư vấn đánh giá.
“Nếu mở được thêm ga hàng không về phía bắc thì khu này có thể trở thành một đô thị sân bay mới với những tiềm năng về du lịch, dịch vụ, logistics sân bay” - liên danh tư vấn đánh giá.
Phát triển đô thị giữa sông Sài Gòn và Vàm Thuật
Theo liên danh tư vấn, để phát triển tốt đô thị sân bay, khu vực này cần phát triển đô thị giữa hai sông Sài Gòn và Vàm Thuật (quận 12). “Tầm nhìn chung là phát triển khu vực này thành một đô thị ven sông cao cấp, có thể trở thành một điểm đến và không gian sống thật hấp dẫn phía bắc, là cửa ngõ đô thị phía đông kết nối với Bình Dương với chất lượng có thể còn cao hơn Phú Mỹ Hưng hay Thảo Điền” - báo cáo của liên danh tư vấn nêu.
Liên danh tư vấn cho rằng điều quan trọng nhất là khu vực này phải bảo tồn và phát huy được cảnh quan sinh thái mặt sông Sài Gòn và Vàm Thuật. Tiếp theo đó là tạo những hành lang xanh theo mạch nước hiện hữu, hành lang này như những ngón tay xanh kết nối giữa sông Sài Gòn và Vàm Thuật. Khi đó, cấu trúc này sẽ tạo ra một mạng lưới hạ tầng xanh và cảnh quan đặc biệt hấp dẫn, đặc thù cho khu vực này không giống một khu vực nào khác trong TP. Đây cũng sẽ là nền tảng cho việc phát triển bền vững, bổ sung kết nối giao thông thủy, bộ và giao thông công cộng dọc theo mạng lưới hạ tầng xanh.
“Cấu trúc phát triển đô thị vùng này sẽ là một vùng đô thị mật độ cao, thương mại dịch vụ đa năng dọc theo đường vành đai 2 và những dải đô thị cao cấp, mật độ thấp hơn chạy theo các ngón tay xanh giữa hai sông. Dọc theo hai con sông sẽ là những công trình điểm nhấn, không gian công cộng, du lịch cao cấp” - liên danh tư vấn phân tích.•
TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM:
Tái cấu trúc để phát triển đô thị sân bay
Các nước trên thế giới đều phát triển đô thị quanh sân bay để phục vụ cho chính sân bay. Đồng thời phục vụ về kinh tế dịch vụ, nhu cầu logistics, du lịch cho du khách và những gì du khách cần thì đô thị cận sân bay sẽ giải quyết.
Tất nhiên, chúng ta phải hiểu quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hầu như không còn đất để phát triển. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể tái cấu trúc từng khu vực để phát triển đô thị tốt hơn.