Thượng viện Mỹ đã không thể bác được quyết định phủ quyết của Tổng thống Donald Trump với nghị quyết Quốc hội cấm ông đơn phương ra lệnh tấn công Iran, hãng tin Reuters cho hay.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 7-5 ở Thượng viện, quyết định bác quyền phủ quyết của ông Trump với nghị quyết này nhận được 49 phiếu thuận và 44 phiếu chống. Như vậy, Thượng viện Mỹ đã không có được số phiếu cần thiết (2/3 số thượng nghị sĩ - tương đương 67 người đồng ý) nên không thể bác quyền phủ quyết của tổng thống.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 6-5 Ảnh: REUTERS
Theo báo USA Today, đây không phải là kết quả bất ngờ. Trong tất cả bảy lần ông Trump sử dụng quyền phủ quyết từ khi nhậm chức đến nay, Quốc hội Mỹ đều không thể có đủ số phiếu tán thành để bác quyền phủ quyết của ông.
Nghị quyết về hạn chế quyền phát động chiến tranh chống lại Iran đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng, được Hạ viện (đảng Dân chủ chiếm đa số) thông qua hồi tháng 3 và được Thượng viện (đảng Cộng hòa chiếm đa số) thông qua hồi tháng 4.
Hôm 6-5, Tổng thống Trump đã phủ quyết nghị quyết trên và gọi đó là nghị quyết "đầy tính sỉ nhục" và là mánh khóe của đảng Dân chủ để giành ưu thế trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11 tới.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, ông Tim Kaine. Ảnh: NBC NEWS
Đáp trả lại tuyên bố của ông Trump, thượng nghị sĩ Tim Kaine - người đề xuất nghị quyết cho rằng Quốc hội chỉ đang làm đúng trách nhiệm của mình khi cố gắng khẳng định quyền lực trong việc sử dụng lực lượng quân sự chống lại các nước khác.
"Đây không phải là một nỗ lực mang tính đảng phái. Ngay từ đầu, nó đã là nỗ lực chung của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa" - ông Kaine nói.
"Nghị quyết được đưa ra để ngăn chặn một cuộc chiến không cần thiết" - ông Kaine khẳng định.
Nghị quyết được đưa ra sau khi ông Trump ra lệnh tấn công hạ sát Thiếu tướng Qassem Soleimani của Quân đoàn Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran. Iran đã trả đũa bằng vụ tấn công các căn cứ của quân đội Mỹ ở Iraq, song không có người Mỹ nào thiệt mạng.
Trước đó, quan hệ hai nước đã căng thẳng sau khi chính quyền Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử Iran ký với nhóm P5+1 và áp dụng chính sách "tối đa hóa áp lực" chống lại Tehran.